some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 12 décembre 2017

mother! (2017)


Giữa đống tro tàn của toà biệt thự bị thiêu rụi bởi một đám cháy không rõ nguyên cớ, Nhà thơ (Javier Bardem) chỉ lặng cười đặt báu vật của ông - viên đá pha lê góc cạnh lên giá, để rồi tro tàn lại tái sinh thành căn nhà còn thơm mùi vữa, và trên giường của Nhà thơ, người vợ xinh đẹp quyến rũ của ông (Jennifer Lawrence) lại hồi sinh trong ánh nắng buổi sớm để cất tiếng gọi chồng. Ngoại trừ việc dòng sáng tác vẫn đang tắc trong đầu Nhà thơ khiến ông chẳng thể viết ra một dòng thơ mới mẻ nào, cuộc sống của ông và người vợ trẻ dường như chẳng thể êm đềm hơn với toà biệt thự rộng rãi nhưng luôn vẫn ấm cúng giữa đồng cỏ xanh mướt, với nhất là với tình yêu đượm nồng hai người dành cho nhau. Nhưng mọi thứ bắt đầu đảo lộn khi một đêm khuya vắng, một người đàn ông lạ mặt (Ed Harris) tự xưng là bác sĩ gõ cửa toà biệt thự của Nhà thơ vì tưởng đây ngôi nhà của hai người là một quán trọ - giữa đồng không mông quạnh. Bất chấp sự phản đối của vợ, Nhà thơ vẫn quyết định mời người đàn ông lạ mặt kia ngủ lại qua đêm mà không ngờ rằng sự hiện diện của ông ta, và sau đó là bà vợ (Michelle Pfeiffer), hai đứa con của lão (Domhnall Gleeson và Brian Gleeson), và rất nhiều người khác nữa sẽ vĩnh viễn tước đi sự yên bình trong cuộc sống của Nhà thơ và vợ ông – người phụ nữ hoài thai đang chờ đón những năm tháng trở thành người mẹ của đứa con đầu lòng.

Phần mở đầu nói trên của mother!” hẳn sẽ khiến nhiều khán giả bất ngờ bởi nó chẳng hề mang màu sắc kinh dị, rùng rợn như đoạn quảng cáo trailer của phim được phát cách đây vài tháng. Quả thực, khó ai có thể gọi đây là một bộ phim kinh dị, khi mà tác phẩm mới nhất này của đạo diễn nổi tiếng Darren Aronofsky có thể coi là sự tiếp nối của dòng phim tác giả về sự cô đơn, về tôn giáo, và về ranh giới nhạt nhoà giữa hiện thực và mộng tưởng của ông với những tác phẩm gây nhiều tiếng vang như Pi (1998), Requiem for a Dream (2000), The Fountain (2006), và mới đây nhất là Black Swan (2010). Khác với các tác phẩm có cốt truyện tương đối tuyến tính và dễ nắm bắt khác của Aronofsky là The Wrestler (2008) và Noah (2014), những bộ phim thuộc dòng phim tác giả, đậm chất cá nhân kể trên của đạo diễn 48 tuổi lôi cuốn khán giả bởi kịch bản nhiều lớp lang và tuyến nhân vật đa dạng, phức tạp. Tác phẩm mới nhất của Aronofsky không nằm ngoài xu hướng này khi bộ phim có bối cảnh hết sức đơn giản – chỉ gói gọn bên trong toà biệt thự của Nhà thơ với chỉ hai nhân vật chính – Nhà thơ và người mẹ trẻ, nhưng lại chứa đựng vô số câu hỏi không dễ giải đáp đối với khán giả. Tại sao người mẹ trẻ luôn hết mực yêu thương, chăm sóc chồng nhưng Nhà thơ dường như chỉ hờ hững đáp lại tình cảm của vợ? Tại sao viên pha lê với hình thù kì dị lại được dùng để làm điểm khởi đầu cho cả bộ phim? Tại sao ngọn lửa đỏ dưới tầng hầm căn nhà lại chẳng bao giờ tắt? Liên tiếp những câu hỏi như vậy được đặt ra cho khán giả xuyên suốt bộ phim và chỉ một phần trong số đó thực sự được giải đáp bởi phần kết hết sức bất ngờ của mother!. Cô vàn chi tiết và bí ẩn như vậy có thể giúp bộ phim trở nên đa nghĩa, giàu tính biểu tượng, nhưng chúng cũng dễ dàng làm khán giả trở nên mất phương hướng, thậm chí là rối loạn khi theo dõi tác phẩm, nhất là khi cốt truyện chính của mother! có thể coi là tương đối rời rạc với nhiều nhân vật phụ và phân cảnh riêng rẽ, thiếu đi một mạch phim giúp dẫn dắt khán giản. Rất may cho mother! là tuy thiếu đi sự mạch lạc, dễ tiếp cận đối với số đông khán giả, bộ phim lại được biên tập hết sức chắc tay với nhịp phim được thay đổi rất uyển chuyển từ chậm rãi sang dồn dập, từ êm đềm sang bùng nổ khiến khán giả dù có thể không hiểu hết ý tứ của đạo diễn nhưng vẫn cảm thấy bị cuốn theo không khí ma mị của phim và số phận của những nhân vật bí ẩn trong phim.

Nếu xét về mặt bố cục và tuyến nhân vật chính thì mother! có phần nào đó giống với The Fountain – tác phẩm lãng mãn-khoa học giả tưởng của Darren Aronofsky ra đời năm 2006. Cũng xoay quanh tình yêu bất tận của hai nhân vật chính (do Hugh Jackman và Rachel Weisz thủ vai), The Fountain có lẽ đã khiến trái tim của nhiều người xem phải rung động bởi mối tình truyền kiếp được Jackman và Weisz thể hiện một cách tuyệt vời trong phim, nhưng chắc chắn cũng khiến nhiều người phải vò đầu bứt tai vì kịch bản phi tuyến tính hết sức rắc rối của tác phẩm này. Tuy cũng sở hữu một cặp đôi diễn viên thực lực như Jackman và Weisz là Javier Bardem và Jennifer Lawrence, nhưng có lẽ mother! không thực sự gây được ấn tượng lớn với khán giả về mặt diễn xuất của dàn diễn viên khi mà Bardem không có quá nhiều đất diễn còn ngôi sao nữ hàng đầu Hollywood Lawrence – nữ diễn viên được biết tới với qua những nhân vật mạnh mẽ, kiên cường lại phải đảm nhận một vai diễn tương đối bị động và một màu. Dù việc Aronofsky tước đi sự chủ động của các nhân vật bằng cách liên tiếp đặt họ vào những tình huống khó xử là hoàn toàn nằm trong chủ ý của đạo diễn người Mỹ, nhưng lựa chọn này cũng lại khiến Bardem và Lawrence không phát huy được sở trường diễn xuất của họ như cách bộ đôi Jackman-Weisz trong The Fountain, Mickey Rourke trong The Wrestler, hay Natalie Portman trong Black Swan đã làm được dưới sự chỉ đạo diễn xuất của Aronofsky. Một điểm đáng chú ý là tuy cùng được giới phê bình đánh giá tương đối tích cực như The Fountain, nhưng sau hơn một thập kỉ làm phim có lãi, Darren Aronofsky với mother! lại lập lại thất bại về mặt doanh thu của The Fountain, một phần vì bị hãng Paramount marketing “hỏng”, nhưng cũng một phần vì truyện phim khó hiểu không phù hợp thị hiếu khán giả của mother!.

Là một tác phẩm thuộc dòng phim tác giả, mother! là một bộ phim mở với nhiều chi tiết, bí ẩn để ngỏ cho khán giả có cách lý giải cho riêng mình. Nhiều người cho rằng đây là một bộ phim về đề tài môi trường-tôn giáo, trong đó nhân vật người mẹ là tượng trưng cho Trái Đất luôn mở rộng vòng tay yêu thương với những gì do Đấng tạo hoá mang lại như con người, nhưng cũng lại phải chịu đựng vô số những tổn thương do chính con người mang lại. Nếu nhìn vào sự ích kỷ của Nhà thơ vô cảm trong căn nhà trống bất chấp tình yêu của người mẹ trẻ, khán giả cũng lại có thể tìm thấy trong đó sự khốc liệt, thậm chí là tàn nhẫn trong quá trình thai nghén ra những tác phẩm để đời của các tác giả lớn – những người phải hy sinh cảm xúc, hy sinh những quan hệ gần gũi để có thể có được chất liệu viết nên những đoạn văn, câu thơ in dấu trong tâm hồn độc giả. Và nếu chỉ đơn giản là ngồi lặng nghe giọng ca của huyền thoại Patti Smith thể hiện ca khúc mộc mạc về tình yêu The End of the World ở đoạn kết của phim, chắc hẳn nhiều người xem cũng sẽ lại nhận ra rằng cũng như Requiem for a Dream, như The Fountain, như The Wrestler, mother! cũng lại là một lời trân trọng của Darren Aronofsky dành cho tình cảm giữa những người thân thiết, dành cho những người dám hy sinh vì những người họ yêu thương. Bởi những lớp ý nghĩa sâu sắc ấy, nên dù có khó hiểu và gây mất phương hướng ở nửa đầu phim, nhưng mother! vẫn hoàn toàn xứng đáng để khán giả ngồi xem cho đến những giây phút cuối cùng. 

=====


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire