some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 26 février 2017

La La Land vs. the World


Vốn được biết tới với cái tên Giải Oscar, giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) thường được coi là giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất trong năm của môn nghệ thuật thứ bảy. Bởi vậy mà việc giành được tượng vàng Oscar cuối cùng của mỗi lễ trao giải – tượng vàng Oscar cho phim xuất sắc nhất năm luôn là niềm mơ ước đối với bất cứ nhà làm phim nào không chỉ của làng điện ảnh Hollywood mà còn của cả giới làm phim quốc tế. Trong vòng hai năm trở lại đây tại lễ trao giải Oscar lần thứ 87 (năm 2015) và 88 (năm 2016), cuộc đua tranh tới cái đích tối thượng này luôn hồi hộp và gay cấn đến tận phút cuối cùng khi có tới hai, thậm chí là ba bộ phim chia nhau cơ hội chiến thắng tại hạng mục quan trọng nhất này của giải Oscar. Nhưng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 89 năm nay, tình trạng song mã hay tam mã đua tài như các năm trước có lẽ sẽ không còn lập lại khi bộ phim ca vũ nhạc La La Land của đạo diễn Damien Chazelle đang bỏ khá xa 8 đối thủ còn lại trong hạng mục này. Sau khi đã càn quét hầu như tất cả các giải thưởng điện ảnh “tiền Oscar” quan trọng bao gồm cả giải Quả cầu vàng, giải BAFTA, và các giải phim hay nhất của Hiệp hội Nhà sản xuất và Hiệp hội đạo diễn điện ảnh Hoa Kỳ, La La Land được hầu hết báo giới và các trang web điện ảnh lớn như Rotten Tomatoes và Metacritic dự đoán là bộ phim được xướng danh trong thời khắc quan trọng nhất của lễ trao giải Oscar lần thứ 89. Thậm chí là theo tổng kết ý kiến chuyên gia của trang Metacritic thì xác suất giành giải tượng vàng Oscar cho phim hay nhất của La La Land lên tới 92% trong khi cơ hội này của hai đối thủ kế tiếp của La La Land là Moonlight và Hidden Figures chỉ lần lượt là 5% và 3%. Không chỉ được giới chuyên môn “đặt cửa”, La La Land cũng giành được sự ủng hộ vượt trội của khán giả khi doanh thu của bộ phim hiện nay đã gần chạm ngưỡng 350 triệu đô la Mỹ - hơn bộ phim ăn khách thứ hai trong số các ứng cử viên cho giải Oscar phim hay nhất là Arrival tới 150 triệu đô la và gấp tới 14 lần doanh thu của đối thủ chính của tác phẩm này tại cuộc đua Oscar năm nay là Moonlight.

Nhưng cũng như chính thông điệp của La La Land – cuộc sống không chỉ toàn màu hồng cho tác phẩm ca vũ nhạc của đạo diễn Damien Chazelle khi nhiều người hâm mộ và thậm chí là những báo lớn như The Guardian hay The Economist trong thời gian gần đây đã lên tiếng chỉ trích việc tượng vàng Oscar cho phim hay nhất (gần như chắc chắn) sẽ được trao cho La La Land. Vậy liệu La La Land có thực sự xứng đáng với danh hiệu “bộ phim hay nhất năm 2016” của điện ảnh Hollywood?

Câu hỏi lớn đầu tiên những người phản đối việc trao giải Oscar phim hay nhất cho La La Land đặt ra cũng lại là câu hỏi muôn thuở - “Nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh?”. Theo họ thì trong một năm nước Mỹ sôi sục vì các mâu thuẫn xã hội liên quan đến chủng tộc, tôn giáo, chính trị, La La Land lại chẳng mang trong mình chút hơi thở thời đại nào với một truyện phim hết sức truyền thống về tình bạn, tình yêu, và khát vọng nghệ thuật. Dàn diễn viên chủ yếu là da trắng (trong khi dòng nhạc chủ đạo của phim – nhạc jazz lại có nguồn gốc từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi), cùng nội dung phim có phần thiên vị vai nam chính Sebastian Wilder của Ryan Gosling hơn là nhân vật nữ Mia Dolan của Emma Stone lại càng khiến những người chỉ trích La La Land có cơ sở để nói rằng bộ phim này chẳng những không đề cập được đến các vấn đề nóng bỏng của nước Mỹ đương đại mà lại còn sa vào lối mòn của các bộ phim Hollywood trước đây trong việc phân biệt màu da và thiếu bình đẳng giới. Điểm yếu này của La La Land lại càng lộ rõ khi so sánh với 8 ứng cử viên còn lại của hạng mục giải Oscar cho phim hay nhất, với những tác phẩm khắc hoạ một cách đẹp đẽ sự vươn lên của những người Mỹ gốc Phi trong một xã hội còn chịu ảnh hưởng nặng nề của nạn phân biệt chủng tộc như Fences, như Hidden Figures, như Moonlight, trong đó hai bộ phim cuối còn là thông điệp mạnh mẽ ủng hộ nữ quyền và đòi quyền bình đẳng giới cho cả nhóm người từng nhiều năm hứng chịu bất công của xã hội Mỹ là những người đồng tính. Không chỉ dừng lại ở đó, một số nhà phê bình còn cho rằng trong một năm thế giới hết sức ảm đạm với chiến tranh, khủng bố, biến động chính trị, một bộ phim với gam màu chủ đạo tươi sáng, lạc quan như La La Land nếu giành giải “Phim hay nhất” sẽ chỉ chứng tỏ rằng AMPAS khuyến khích dòng phim xa rời thực tế, ca ngợi vẻ đẹp của chính Hollywood thay vì cổ động cho các tác phẩm làm thức tỉnh xã hội như Moonlight, hoặc ít ra cũng mang âm hưởng nhân văn phổ quát như Hacksaw Ridge.

Không chỉ bị chỉ trích về mặt ý nghĩa nghệ thuật, chất lượng của La La Land cũng bị những người chỉ trích đặt dấu hỏi khi họ cho rằng ngoại trừ phần hình ảnh, âm nhạc và vũ đạo xuất sắc, nội dung tác phẩm mới nhất của Damien Chazelle lại tương đối nhạt nhoà, hoàn toàn không xứng đáng với danh hiệu tác phẩm xuất sắc nhất năm của Hollywood. Chỉ đơn giản là câu truyện về tình yêu và khát vọng nghệ thuật của cặp đôi Sebastian – Mia với không quá nhiều xung đột kịch tính hoặc các nút thắt mở khiến khán giả phải kinh ngạc, La La Land quả thực không phải là một tác phẩm phức tạp về mặt nội dung hoặc thông điệp. Cách xây dựng nhân vật có hình tượng và tâm hồn, khát vọng đẹp đẽ trên con đường đeo đuổi nghệ thuật và ước mơ của Damien Chazelle được nhiều nhà phê bình và người hâm mộ đánh giá cao. Nhưng mặt khác, hơi hướng vị kỷ trong lựa chọn đường đời và số phận không quá bi kịch-nếu không nói là có phần may mắn của Sebastian, của Mia cũng lại khiến La La Land vấp phải những lời chỉ trích cho rằng nhân vật trong phim là quá đơn giản và nông cạn khi so sánh với chất lượng nghệ thuật vượt trội của chính bộ phim. Tờ The Guardian thậm chí còn cho rằng việc trao giải cho một bộ phim lãng mạn đơn thuần như “La La Land” sẽ là một “thảm hoạ” (“disaster”) cho Hollywood khi mô-típ truyền thống mang nặng âm hưởng của thời kỳ Hollywood cũ giai đoạn trước thập niên 1970s lại được tưởng thưởng thay vì chất sáng tạo, gai góc, nhập thế tràn đầy trong các ứng cử viên kém tiếng hơn của hạng mục phim hay nhất như Moonlight, Hidden Figures, hay Manchester by the Sea. Bên cạnh nội dung, ngay cả phần âm nhạc đẹp đẽ hiếm có của La La Land cũng không thoát khỏi điều tiếng khi nhiều người cho rằng việc bộ phim có tới hai đề cử ở hạng mục Bài hát gốc hay nhất của giải Oscar (cho “Audition (The Fools Who Dream)” và “City of Stars”) là quá nhiều và vì thế đã cướp đi cơ hội tranh giải của những tác phẩm xuất sắc nhưng ít được biết tới hơn như “Drive It Like You Stole It” trong bộ phim ca nhạc Sing Street. Một số nhà phê bình của tờ The New York Times còn cho rằng ngay cả khi so sánh với dòng phim và kịch ca vũ, La La Land cũng chưa hẳn đã là một tác phẩm vượt trội khi cả Ryan Gosling và Emma Stone đều không sở hữu giọng hát hoặc tài khiêu vũ quá xuất sắc, còn cách thức dàn dựng ca vũ của La La Land lại có vẻ cũ kỹ nếu phải so với những tác phẩm đang gây tiếng vang lớn trên sân khấu kịch Broadyway như Hamilton.


Vậy liệu La La Land có xứng đáng với giải Oscar cho phim hay nhất? Trước hết bộ phim cần phải giành giải thưởng lớn này trong đêm trao giải vào Chủ nhật ngày 26 tháng 2 sắp tới, và hơn thế nữa là sức sống lâu bền của một tác phẩm nghệ thuật luôn cần một vài năm, thậm chí là một vài thập kỷ để kiểm chứng. Forrest Gump là một ví dụ như vậy cho độ lùi thời gian cần thiết cho việc đánh giá các bộ phim hay, khi tác phẩm này là ứng cử viên sáng giá nhất và sau đó đã chiến thắng vang dội tại lễ trao giải Oscar lần thứ 67 năm 1995, nhưng sau hai thập kỷ các tác phẩm thất bại trong cuộc đua giành tượng vàng cho phim hay nhất năm đó như Pulp Fiction hay The Shawshank Redemption lại được đánh giá là có phần xuất sắc hơn Forrest Gump. Hơn thế nữa, Hollywood và AMPAS luôn có tiếng là chậm chạp trong việc bắt nhịp hơi thở cuộc sống khi bộ phim đầu tiên về chiến tranh Việt Nam giành giải phim hay nhất (The Deer Hunter) là vào năm 1978 – 5 năm sau khi lính Mỹ chính thức rút khỏi cuộc chiến gây tác động mạnh mẽ nhất tới xã hội nước Mỹ (năm 1973), và cho đến tận thời điểm hiện tại thì vẫn chưa một bộ phim nào về chiến tranh Afghanistan (2001 đến nay) – cuộc chiến dài hơn nhất của quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại Hoa Kỳ được vinh danh tại hạng mục phim hay nhất của giải Oscar. Bên cạnh đó, chẳng ai có thể trách Damien Chazelle trong việc La La Land thiếu hơi thở thời đại, bởi đạo diễn người Mỹ thai ngén và hoàn thành kịch bản bộ phim này từ năm 2010 và tại thời điểm đó thì chẳng ai có thể đoán trước được rằng bộ mặt nước Mỹ và thế giới sẽ thay đổi đến mức chóng mặt như thời điểm hiện tại. Một tác phẩm điện ảnh chỉ có thể thực sự hay và đi vào lòng khán giả khi những người làm ra nó không bị gò bó, gượng ép bởi các yêu cầu xã hội hay thông điệp chính trị. Người xem có thể cảm nhận được điều nay ngay cả ở những ứng viên được đánh giá là “nhập thế” hơn La La Land như Moonlight – một tác phẩm chỉ sử dụng bối cảnh bất công xã hội để làm nền cho những câu truyện hết sức riêng tư, hết sức cảm động về tình bạn, tình yêu, về khát vọng sống đẹp, vốn cũng chính là dòng tâm tưởng chủ đạo của La La Land. Barry Jenkins – đạo diễn của Moonlight từng nhiều lần cho biết rằng ông chịu ảnh hưởng của Vương Gia Vệ, và Moonlight rõ ràng cũng mang hương vị lãng mạn, nhân văn của các tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn người Hồng Kông như Xuân quang xạ tiết (Happy Together). Được coi là một trong những huyền thoại sống của điện ảnh châu Á, nhưng đạo diễn họ Vương chưa bao giờ tự giới hạn mình trong các đề tài xã hội – vốn là mảnh đất màu mỡ của điện ảnh Hồng Kông và châu Á, trái lại các bộ phim của ông luôn tập trung mô tả những đề tài muôn thuở như tình yêu, sự mất mát, lòng thương nhớ với quá khứ đã qua, nhưng với cách nhìn hết sức chân thành, hết sức sâu sắc, hết sức sáng tạo. Tương tự như vậy, dù La La Land có đi theo “lối mòn” của những bộ phim ca vũ theo kiểu truyền thống của Hollywood nhưng chẳng ai có thể phủ nhận được rằng tác phẩm mới nhất được Damien Chazelle làm một cách hời hợt thiếu đi chất sáng tạo cần có của một bộ phim hay. Và chắc chắn là kể cả những người chỉ trích việc AMPAS trao giải Oscar cho La La Land cũng phải thừa nhận rằng bộ phim này đã và đang đem lại cho khán giả cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, cùng những khoảng lặng cần thiết để họ có thể nghĩ về cuộc sống, về vẻ đẹp của cuộc đời bất chấp những bất công, những khó khăn vẫn còn ngập tràn trong xã hội. Bởi vậy, hãy gạt cuộc tranh cãi vô ích này sang một bên, bởi bất cứ ai cũng có thể có “giải Oscar cho phim hay nhất” của riêng mình với La La Land, với Moonlight, với Manchester by the Sea, hay với bất cứ bộ phim nào khác mà bạn yêu thích. Thay vào đó, hãy dành thời gian tranh cãi để thưởng thức những bộ phim hay, những bộ phim mới của các nhà làm phim vẫn đang hàng ngày lao động và sáng tạo để làm đẹp cho đời.

=====

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire