some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 24 février 2016

Trumbo (2015)




Chuyển thể từ cuốn tiểu sử Danton Trumbo của nhà báo Bruce Alexander Cook, Trumbo của đạo diễn Jay Roach đề cập tới cuộc đời của một trong những nhà biên kịch nổi tiếng và nhiều sóng gió nhất của Hollywood – Dalton Trumbo. Nổi danh với những kịch bản phim xuất sắc từng giành giải Oscar như Roman Holiday (1953) hay The Brave One (1956), Trumbo còn được biết tới với tư cách là thành viên của nhóm "The Hollywood Ten” – nhóm mười nghệ sĩ Hollywood đầu tiên bị kết tội coi thường Quốc hội Hoa Kỳ vì từ chối trả lời về dính líu của họ tới Đảng Cộng sản. Mở đầu cho giai đoạn “Hollywood blacklist” (“Danh sách đen của Hollywood”) những năm 1940, 1950, các nghệ sĩ này sau đó đã bị cộng đồng điện ảnh Hollywood đưa vào danh sách đen, họ bị hủy hợp đồng, không thể làm việc, không thể kiếm tiền bằng nghề nghiệp yêu thích, bị những người từng một thời thân thiết xa lánh, phủ nhận. Là tên tuổi tiêu biểu nhất của nhóm “The Hollywood Ten”, Dalton Trumbo (Bryan Cranston) và những đồng nghiệp cùng chí hướng như Arlen Hird (Louis C.K.) chịu rất nhiều sức ép từ đông đảo những cái tên chống sản quyết liệt như Hedda Hopper (Helen Mirren) hay John Wayne (David James Elliott). Mất việc, bị coi là “đặc vụ” của Liên Xô trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, Dalton Trumbo và vợ (Diane Lane) cùng gia đình buộc phải từ bỏ cuộc sống sung túc của một nhà biên kịch đắt hàng nơi trang trại rộng lớn để chuyển về một căn nhà nhỏ vùng ngoại ô giữa sự thù địch của những người hàng xóm. Để kiếm sống, Trumbo buộc phải lao động cật lực bằng việc sửa những kịch bản nghèo nàn hoặc viết những tác phẩm dạng “mỳ ăn liền” cho hãng phim kinh phí thấp của Frank King (John Goodman). Áp lực công việc còn đi kèm với áp lực cuộc sống, khi những ngày làm việc triền miên không ngừng nghỉ của Trumbo khiến ông trở nên xa lạ với chính gia đình của mình, đặc biệt là với cô con gái lớn đầy cá tính Nikola (Elle Fanning), trong khi việc ông hạ mình chắp bút cho những kịch bản rẻ tiền chất lượng thấp lại khiến ông vấp phải lời trách móc về hoài bão nghệ thuật từ người bạn thân Arlen Hird. Liệu động lực gì đã khiến Dalton Trumbo vượt qua vô số những áp lực ấy để tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến, để rồi lại được ghi danh cùng những bộ phim xuất sắc như Spartacus (1960) của Stanley Kubrick hay Exodus (1960) của Otto Preminger?  


Trong làng truyền hình Mỹ, có lẽ Bryan Cranston là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất với một loạt vai diễn đáng nhớ trong Malcolm in the Middle, Seinfeld, và đặc biệt là vai Walter White trong loạt phim truyền hình Breaking Bad. Sau khi mùa cuối cùng của “Breaking Bad” được phát sóng năm 2013, cả người hâm mộ và giới phê bình phim đã rất hy vọng được chứng kiến tài năng của Cranston trên màn ảnh lớn. Và sau vai diễn không nhiều ấn tượng trong Godzilla (2014), cuối cùng Bryan Cranston đã thực sự đáp lại được sự trông đợi của công chúng với vai diễn Dalton Trumbo. Tuy kịch bản chưa thực sự chắc tay của Trumbo khiến vai diễn của Cranston không có quá nhiều điểm nhấn về mặt cảm xúc, nhưng ông vẫn thành công trong việc hóa thân hoàn toàn vào hình tượng nhà biên kịch Dalton Trumbo mạnh mẽ, sắc sảo, nhưng phải sống trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời. Sau khi xem đoạn trả lời phỏng vấn của Dalton Trumbo ngoài được được lồng vào phần cuối cùng của bộ phim, chắc chắn người xem sẽ phải thừa nhận rằng, tuy bề ngoài không thực sự tương đồng, nhưng Bryan Cranston đã bắt được hình ảnh thực sự của Trumbo từ điệu bộ, cử chỉ, giọng nói cho tới thần thái. Khả năng nhập vai của Cranston đã giúp khán giả thực sự hiểu được tâm trạng ngổn ngang trăm mối của Dalton Trumbo. Mỗi nếp nhăn trên khuôn mặt của Cranston/Trumbo là một cuộc tranh đấu nội tâm – giữa sự nghiệp và gia đình, giữa lòng trung thành với bạn bè, với lý tưởng và thực tại nghiệt ngã của cuộc sống, giữa khát vọng về những giá trị nghệ thuật chân chính và nhu cầu vật chất đời thường. Với một kịch bản chú trọng hơn vào việc mô tả sự biến chuyển về mặt tâm lý, tinh thần của Dalton Trumbo trong những năm tháng khủng hoảng, có lẽ Bryan Cranston đã có thể có một vai diễn hoàn toàn trọn vẹn. Nhưng dù thế nào thì khi xem xong phim, những cảnh phim đầy tâm trạng, tình cảm của Trumbo khi đối diện với con gái, hay bài phát biểu cuối phim của ông, chắc chắn vẫn sẽ còn đọng lại trong lòng khán giả. 


Bổ sung cho sự mạnh mẽ của Bryan Cranston trong vai Trumbo là một Diane Lane tinh tế, lạc quan trong vai Cleo Fincher Trumbo – vợ của Dalton. Tuy không có nhiều đất diễn, vai diễn ít thoại nhưng hết sức biểu cảm của Diane Lane cũng đủ để khán giả cảm nhận được lý do tại sao Cleo lại có thể sống với một nghệ sĩ khó tính và ham công tiếc việc như Dalton Trumbo suốt 38 năm, qua cả những tháng ngày căng thẳng thời Trumbo bị liệt vào danh sách đen, cho tới khi ông nhắm mắt xuôi tay. Bên cạnh bộ đôi Cranston-Lane, dàn diễn viên phụ của phim với những cái tên xuất sắc như Louis C.K., Helen Mirren, và Michael Stuhlbarg cũng đã tạo dựng cho bộ phim tuyến nhân vật phụ đáng nhớ. Thực tế thì kịch bản mộc mạc của Trumbo đã không thực sự đem lại sự đa diện cho các nhân vật như Hedda Hopper của Mirren hay Arlen Hird của Louis C.K. hoặc tạo dựng được động cơ, mục đích hành động của các nhân vật này trong việc ủng hộ nhiệt thành tư tưởng xã hội (như Arlen Hird), hoặc chống đối đến cùng chủ nghĩa cộng sản (như Hedda Hopper). Nhưng với tài năng của mình, Helen Mirren và Louis C.K. vẫn đủ sức tạo ra hai hình ảnh hoàn toàn tương phản vốn không chỉ làm bật lên hơi thở thời đại của một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của nước Mỹ, mà còn giúp khắc họa rõ nét hơn hình ảnh của Dalton Trumbo và những áp lực tinh thần lớn lao mà ông phải trải qua. Vai diễn nhiều màu sắc và đáng nhớ nhất trong tuyến nhân vật phụ có lẽ là vai ngôi sao điện ảnh Edward G. Robinson do Michael Stuhlbarg thủ vai. Là người hết mình vì bạn bè nhưng cũng lại coi trọng và cần nghề diễn hơn mọi thứ, Robinson phải đưa ra những lựa chọn hết sức khó khăn trong cuộc đời – những lựa chọn khiến ông trở nên cô đơn với giọt nước mắt rơi dài trên má. Với đôi mắt sâu lắng, Michael Stuhlbarg đã thể hiện hết sức truyền cảm hình ảnh đa chiều này của Edward G. Robinson bất chấp thời lượng diễn xuất hạn hẹp. Với vai diễn này và vai Andy Hertzeld trong Steve Jobs, Stuhlbarg đã chứng tỏ rằng, sau A Serious Man của anh em nhà Coen từ năm 2009, tài năng của anh hoàn toàn xứng đáng với những vai diễn có chiều sâu và đất diễn. 

Nói tới những năm tháng đầy phức tạp trong giai đoạn “Hollywood blacklist”, người ta thường nhớ tới hình ảnh nhiều nghệ sĩ đã khoanh tay không chào đón đạo diễn huyền thoại Elia Kazan lên nhận Giải Oscar danh dự năm 1999 vì cho rằng chính lời khai của Kazan đã đẩy nhiều đồng nghiệp của ông vào “Danh sách đen”. Dù đúng hay sai thì sự kiện này cũng cho thấy rằng vẫn có đó những vết sẹo để lại từ những tổn thương tinh thần của giới điện ảnh Hollywood vì những tình bạn, tình đồng nghiệp tan vỡ thời “Danh sách đen”. Không biết có phải vì lý do này mà không nhiều tác phẩm điện ảnh của Hollywood đề cập trực tiếp tới đề tài này, bất chấp thực tế rằng những câu chuyện cay đắng về sự phản bội, sự chà đạp về mặt tinh thần như vậy là mảnh đất rất màu mỡ cho dòng phim bi kịch. Bởi vậy đến với Trumbo, hẳn nhiều khán giả đã mong đợi rằng bộ phim sẽ tái hiện lại thành công bối cảnh sôi động của Hollywood thời gian này, cũng như số phận của những cái tên bị liệt vào nhóm “The Hollywood Ten”. Về mặt này, kịch bản của Trumbo đã thành công một nửa khi tạo dựng được không khí căng thẳng và đầy sự kiện của giới điện ảnh Mỹ những năm 1940, 1950, khi chủ nghĩa chống cộng sản len lỏi vào từng ngóc ngách của Hollywood đã đẩy nhiều người từ chỗ là bạn, là đồng nghiệp thân thiết tới tình thế phải chối bỏ, từ mặt nhau. Tuy nhiên, kịch bản thiếu điểm nhấn và có phần rời rạc của phim đã không thực sự tạo được cao trào cần thiết để làm nổi bật số phận những nghệ sĩ bị cuốn vào vòng xoáy của nghi ngờ và thù hận này. Việc bộ phim tập trung rất nhiều thời lượng và chất liệu để mô tả hình ảnh của Dalton Trumbo cũng khiến phần xây dựng các nhân vật khác trong phim tỏ ra thiếu chiều sâu, hoặc sự đa diện cần có về suy nghĩ, về số phận của họ. Ngay đối với nhân vật trung tâm Dalton Trumbo, bộ phim cũng mới chỉ thành công trong việc khắc họa sức làm việc phi thường và tình yêu vô tận ông dành cho gia đình, cho bạn bè chứ không thực sự nói lên được những suy tư, trăn trở cả về mặt nghề nghiệp và lý tưởng của ông trong giai đoạn bị đưa vào “Dah sách đen”. Nhịp phim không đều và sự lồng ghép không mấy hợp lý yếu tố hài hước vào cấu trúc chính kịch của bộ phim có thể cũng khiến khán giả cảm thấy chới với vì khó nắm bắt được thông điệp chung của Trumbo. Bởi thế sự bất cần tới mức hài hước của ông chủ hãng phim Frank King có thể đem tới cho khán giả những nụ cười giải tỏa cần thiết, nhưng những chi tiết như vậy lại thực sự không đóng góp được nhiều cho nội dung chính mà đạo diễn Jay Roach muốn đề cập. Phần hình ảnh và nhạc phim của Trumbo cũng không thực sự ấn tượng trong việc tạo dựng không khí dồn dập, căng thẳng cho bộ phim. Bởi thế, có lẽ khán giả sẽ phải chờ đợi những bộ phim mới để có thể thực sự hiểu và cảm nhận giai đoạn khó khăn bậc nhất thế kỷ 20 này của điện ảnh Hollywood.


======
Bản đã được biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire