some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 24 février 2016

The Revenant (2015)




Tháng Tám năm 1823, khi đang trên đường thám sát giữa vùng rừng sâu hoang vu bang Nam Dakota, tay thợ săn da thú Hugh Glass bất ngờ chạm chán một gia đình gấu mẹ và hai chú gấu con. Theo đúng bản năng bảo vệ con, con gấu xám lớn lao vào tấn công Glass và nhanh chóng hạ gục người thợ săn kinh nghiệm bằng những đòn chí mạng xé toạc thân thể nạn nhân của nó. Chỉ có sự xuất hiện kịp thời của những người bạn săn trong đoàn mà Hugh Glass mới thoát chết, nhưng nhưng cú cắn và táp của con gấu cũng đủ khiến Glass hấp hối trong tình trạng bại liệt toàn thân và trở thành gánh nặng cho cả đoàn thợ săn. Vừa phải đối chọi với thiên nhiên cực kì khắc nghiệt và sự truy đuổi của những người thổ dân giận dữ, vừa phải gánh gã thợ săn thập tử nhất sinh xuyên rừng xuyên núi với những bước chân vốn đã nặng chĩu vì các kiện da thú, đoàn thợ săn cuối cùng quyết định buộc phải bỏ Glass lại giữa hoang dã nước Mỹ. Không ai trong số bạn săn của Hugh Glass có thể ngờ rằng gã đàn ông trung niên ấy không những không chết giữa rừng thiêng nước độc, trái lại, với bản năng sinh tồn và chút sức tàn còn lại, Glass trong cảnh tàn phế đã bò qua trên 300 km rừng núi trong vòng sáu tuần để tìm về với văn minh, tìm về với sự sống, và trở thành huyền thoại.


Câu chuyện đầy kinh ngạc về bản năng sinh tồn của Hugh Glass từ lâu đã trở thành đề tài cho giới văn nghệ nước Mỹ mà gần đây nhất là tiểu thuyết năm 2002 The Revenant (Người trở về từ cõi chết) của nhà văn Michael Punke. Năm 2015, tiểu thuyết kể trên đã được chuyển thể lên màn ảnh lớn qua bộ phim cùng tên của đạo diễn Alejandro Inarritu, người vừa đoạt giải Oscar cho cả phim và đạo diễn xuất sắc nhất năm 2014 với bộ phim Birdman. Trong phim, Hugh Glass (Leonardo DiCaprio) không những phải đối chọi với thiên nhiên khắc nghiệt mà còn phải đương đầu với gã bạn săn hiểm ác John Fitzgerald (Tom Hardy), kẻ quyết loại bỏ Glass bằng mọi thủ đoạn, từ đánh lừa chỉ huy đoàn săn Andrew Henry (Domhnall Gleeson), buộc người thợ săn trẻ Jim Bridger (Will Poulter) phải trở thành tòng phạm bỏ mặc Glass với cái chết, và thậm chí là tìm cách ám hại Hawk (Forrest Goodluck) – đứa con trai mang dòng máu thổ dân của Glass. Xuyên suốt bộ phim, người xem sẽ được chứng kiến cuộc chiến một mất một còn giữa Glass và Fitzgerald, giữa con người với thiên nhiên lạnh lẽo khắc nghiệt, và giữa ý chí sinh tồn với bóng ma luôn hiện hữu của thần chết.


Leonardo DiCaprio là một trong những ngôi sao lớn nhất của điện ảnh Hollywood hiện nay nhưng trong vòng 10 năm qua anh cũng trở thành nhân vật của một câu chuyện đùa không lấy gì làm thú vị cho DiCaprio – “Liệu đến bao giờ Leonardo DiCaprio mới giành tượng vàng Oscar?”. Từng làm việc với rất nhiều đạo diễn nổi tiếng, từ James Cameron, Steven Spielberg, cho tới Quentin Tarantino và đặc biệt là Martin Scorsese, kể từ năm 2002 cho tới nay hầu như tất cả các bộ phim mà Leonardo DiCaprio tham gia đều được đánh giá cao với rất nhiều lời khen ngợi dành cho các vai diễn của anh. Tuy nhiên dù đã bốn lần được đề cử giải Oscar nhưng lần nào Leonardo DiCaprio cũng phải ra về tay trắng và câu chuyện đùa kể trên lại được lặp lại trên các mặt báo và Internet. Liệu với The Revenant, Leonardo DiCaprio có thể hóa giải câu chuyện đùa ấy? Rất có thể, bởi đây là một trong những vai diễn khốc liệt và bi tráng nhất mà anh từng thể hiện trong sự nghiệp. Thổ dân truy diệt, thú dữ tấn công, chết cóng giữa cái lạnh khủng khiếp của miền Bắc nước Mỹ hoang dã, chết đói giữa bạt ngàn rừng hoang tuyệt nhiên không có thứ gì ăn được, nhân vật Hugh Glass của DiCaprio phải trải qua tất cả những thử thách ấy chỉ bằng bản năng sinh tồn và ý chí trả thù kẻ bạn săn nham hiểm đã đẩy ông tới chỗ đường cùng. Trong một vai diễn gần như không có thoại và thường xuyên phải bất động vì bại liệt toàn thân, cặp mắt xanh trở thành phương tiện duy nhất để Leonardo DiCaprio diễn tả mọi trạng thái cảm xúc của nhân vật, từ đau đớn, sợ hãi, tuyệt vọng, tới hừng hực khao khát tồn tại, khao khát trả thù. Có lẽ kể từ Blood Diamond (2006, bộ phim đem lại cho anh đề cử Oscar thứ ba) tới nay Leonardo DiCaprio mới lại có một vai diễn với đòi hỏi khắc nghiệt về mặt thể chất đến vậy với rất nhiều pha hành động trong bối cảnh trời Đông lạnh lẽo chỉ có cây khô, tuyết trắng, sông gầm, và núi dữ. Nhưng điều kiện quay phim của The Revenant còn là thử thách lớn hơn rất nhiều bối cảnh châu Phi của Blood Diamond, bởi với đòi hỏi rất cao về phần bối cảnh và hình ảnh của phim, đạo diễn Inarritu đã quyết định tuyệt đối không dùng kỹ xảo đồ họa vi tính để thay thế cho các cảnh quay khó, cũng như chỉ sử dụng ánh sáng tự nhiên cho việc quay phim thay vì sử dụng các bối cảnh thuận lợi hơn rất nhiều trong trường quay. Sự kỹ tính của đạo diễn Inarritu không chỉ khiến kinh phí quay của bộ phim bị đội lên gần gấp đôi, mà còn khiến một số nhân viên của đoàn phim phải từ bỏ The Revenant. Tất nhiên trong số đó không có Leonardo DiCaprio. Trái lại điều kiện quay khó khăn dường như lại càng tôi luyện cho hình ảnh sắt đá của Hugh Glass của DiCaprio qua từng thời khắc sinh tử. Bằng diễn xuất ngoại hạng của mình, thực sự Leonardo DiCaprio đã đưa ra được một cách giải thích hợp lý cho khán giả về huyền thoại sinh tồn của Hugh Glass, đưa cho họ câu trả lời vì sao Glass có thể vượt qua mọi gian nan, thử thách để tìm về với sự sống. Cũng phải nhấn mạnh rằng gian nan, thử thách ở đây không chỉ về mặt thể xác, mà còn nằm rất nhiều ở mặt tinh thần. Bởi Glass là một con người mất mát, dù cận kề cái chết hay chạm ngưỡng hồi sinh nhưng trong trái tim của ông luôn là người vợ và đứa con gốc thổ dân mà ông phải rời xa. Dù đã từng đóng những vai diễn với những mất mát tinh thần tương tự như trong Shutter Island (2010) hay Inception (2010), nhưng cái cách DiCaprio thể hiện nỗi đau ấy qua sâu thẳm đôi mắt vốn đã khô cạn nước mắt, qua cặp môi nứt toác run run đầy đau đớn quả thực đã tạo ra một hình ảnh hết sức khác biệt so với một DiCaprio-giận-dữ thường thấy. Dù không thể phủ nhận đóng góp hết sức quan trọng của các diễn viên khác trong The Revenant, đặc biệt là Tom Hardy trong vai John Fitzgerald – kẻ cừu thù của Hugh Glass hay Will Poulter trong vai anh chàng thợ săn non nớt Jim Bridger, nhưng có thể khẳng định rằng DiCaprio là động lực lớn nhất đưa tới thành công của bộ phim. 


Trên bảng phân vai của The Revenant, Leonardo DiCaprio được xếp đầu tiên với tư cách diễn viên chính của bộ phim. Tuy nhiên tác phẩm của Alejandro Inarritu còn một diễn viên chính khác quan trọng không kém, đó là thiên nhiên bao la của miền Bắc nước Mỹ. Trong bộ phim này thiên nhiên đóng cả hai vai chính diện và phản diện khi mà vẻ đẹp đến nghẹn thở của núi rừng, sông suối, của gió, của tuyết luôn đi kèm với sự khắc nghiệt chết người của cái lạnh, cái đói, và thú dữ rình rập ở mọi nơi mọi lúc. Để truyền tải hai mặt đối lập ấy của nước Mỹ hoang dã tới khán giả, đạo diễn Inarritu đã lựa chọn nhà quay phim Emmanuel “Chivo” Lubezki, đồng nghiệp thân thiết của ông và là người giành giải Oscar quay phim xuất sắc ở cả hai lễ trao giải Oscar gần đây nhất với Gravity (2013) và Birdman (2014). Không phụ sự tin tưởng của Inarritu, “Chivo” Lubezki đã khiến khán giả choáng ngợp với những cảnh quay góc rộng diễn tả thiên nhiên bao la ngút ngàn của rừng núi nước Mỹ đẹp đẽ nhưng cũng đậm hơi thở bí ẩn. Nếu như với Gravity, “Chivo” Lubezki trở nên nổi tiếng với khả năng kết hợp các cảnh quay không gian với kỹ xảo đồ họa tân tiến, Birdman thể hiện khả năng xử lý của Lubezki với những đúp quay rất dài trong không gian hẹp, thì The Revenant lại cho thấy một Lubezki với con mắt tài năng trong việc lựa chọn các góc máy lạ để truyền tải tối đa tính cách của thiên nhiên và tình cảm, suy nghĩ của những con người nhỏ bé phải sống, phải tồn tại giữa màu xám của trời, màu trắng của tuyết, và màu nâu của cỏ cây. Hỗ trợ cho những góc máy xuất sắc của Lubezki là phần nhạc phim đẹp đẽ, bi tráng không kém của nhạc sĩ Ryuichi Sakamoto – một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc đương đại Nhật và là tác giả cho phần nhạc phim của rất nhiều tác phẩm đáng nhớ như Merry Christmas Mr. Lawrence (1983), The Last Emperor (1987), hay The Sheltering Sky (1990). Phong cách tối giản của cả Lubezki và Sakamoto cho phần hình ảnh và âm nhạc của bộ phim là một lựa chọn hết sức phù hợp với thiên nhiên đơn sắc của “The Revenant” và góp phần đẩy cao xung đột giữa các nhân vật, giữa nhân vật với thiên nhiên, giữa lòng tham và sự tự trọng trong phim. 


Truyền tải một cách hoàn hảo cuộc chiến sinh tồn của Hugh Glass là một thành công lớn của The Revenant, nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu coi bộ phim dài tới hơn hai tiếng rưỡi này của đạo diễn Alejandro Inarritu chỉ kể duy nhất một câu chuyện, chỉ có duy nhất một lớp ý nghĩa như vậy. Đây đó giữa mảnh đất rộng lớn phía Bắc nước Mỹ, người xem được thấy những khuôn mặt thổ dân khắc khổ và giận dữ, tro bụi và xác chết trong những bản làng bị hủy diệt của thổ dân châu Mỹ, sự nham hiểm của những kẻ định cư da trắng – những kẻ sẵn sàng giết thổ dân chỉ để treo lên cổ họ tấm biển “On est tous des sauvages” (“Tất cả lũ bọn chúng chỉ là đồ mọi rợ”). Cũng chính giữa cái hủy diệt, chết chóc ấy, người ta cũng thấy le lói ánh sáng của tình người, của sự cao thượng, bất kể họ là thổ dân hay người định cư da trắng, thứ ánh sáng tuy mờ nhạt giữa xám xịt hoang dại nhưng cũng đủ để người ta cảm nhận được sự tồn tại, dù là rất khó khăn, của nhân tính nơi đây. Lịch sử bi thương của những bộ lạc thổ dân châu Mỹ phải lùi dần tới chỗ diệt vong trước sự xuất hiện của người định cư da trắng là một đề tài không mới, nhưng hiếm khi được Hollywood khai thác một cách triệt để ngoại trừ một số ít các bộ phim xuất sắc như Dances with Wolves (Khiêu vũ giữa bầy sói, 1990) của đạo diễn Kevin Costner hay The Last of the Mohicans (1992) của đạo diễn Michael Mann. Bởi thế, cái cách The Revenant đưa tới cho khán giả một lát cắt mỏng nhưng hết sức tinh tế, hết sức thấm thía về câu chuyện đầy thương đau của những người da đỏ là điều đáng trân trọng. Có phải chăng với The Revenant, thổ dân châu Mỹ - những người chủ đầu tiên của mảnh đất này, cũng chính là hình ảnh thiên nhiên nơi đây – một thiên nhiên bị tàn phá, vơ vét đến cùng kiệt bởi những người định cư. Cũng như núi rừng huyền bí, những người thổ dân ấy sẽ sẵn sàng chiến đấu, trừng phạt đến cùng những kẻ tàn phá, nhưng cũng sẵn sàng tha thứ nếu như những người khách không mời ấy vẫn còn mang trong mình chút lương tri con người. 


Một kịch bản sâu sắc với nhiều lớp nghĩa nhân văn. Phần hình ảnh tuyệt vời về thiên nhiên trường tồn của núi rừng nước Mỹ. Diễn xuất trọn vẹn của Leonardo DiCaprio. Có lẽ chừng ấy đã là quá đủ để giúp The Revenant của đạo diễn Alejandro Inarritu trở thành một trong những bộ phim đáng nhớ nhất của năm 2015, và là một chuyển thể điện ảnh xứng đáng với huyền thoại sinh tồn của Hugh Glass.

====

  

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire