some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 25 octobre 2014

Diệp Vấn - Chung cực nhất chiến (2013)


Tên tiếng Anh và tên gốc tiếng Trung của phim là rất giống nhau, Ip Man - The Final Fight hay Diệp Vấn - Chung cực nhất chiến.

Lên mạng tìm áp phích phim thấy toàn áp phích kiểu "anh hùng" lấy nửa người Diệp Vấn nhìn xa xăm thủ thế, nghe chừng không đúng với tinh thần của phim lắm, cuối cùng lại thấy cái áp phích này đẹp hơn nhiều, trầm mặc như phim, Diệp Vấn cũng nhỏ bé, lặng lẽ như trong phim, có điều là ánh sáng của áp phích này được làm ... đẹp hơn phim khá nhiều. Phim có lẽ được quay dạng kĩ thuật số chứ không dùng phim nhựa vì màu nhìn sắc và sáng, nhưng "chất lượng" ánh sáng và quay phim trong phim khiến phim trông như phim làm để chiếu truyền hình chứ không phải phim để chiếu rạp lớn dù bối cảnh phim, phục trang, trang phục của phim được làm rất tốt, rất thật, đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất của phim.

Kể từ khi Diệp Vấn của Chân Tử Đan thành công vang dội năm 2008, một loạt phim xoay quanh cuộc đời Diệp Vấn ra đời, hầu hết đều tập trung mô tả Diệp Vấn như một Nhất đại tông sư (tên phim của Vương Gia Vệ về Diệp Vấn). Ngoại trừ chính Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ nằm ở một đẳng cấp khác hẳn khi không hẳn tập trung hoàn toàn vào Diệp Vấn mà tập trung vào những triết lý của võ thuật Trung Hoa gắn với những biến loạn lịch sử và phẩm chất của người Hoa (thật may phim này tôi được xem ở rạp, với phụ đề bằng tiếng Việt được dịch cực kì xuất sắc, chứ nếu phải xem bằng phụ đề tiếng Anh chắc chắn tôi sẽ không thể cảm nhận được hết ý nghĩa của Nhất đại tông sư, quả thực ngôn ngữ đôi khi cũng là rào cản không thể vượt qua đối với văn hóa), các bộ phim còn lại-kể cả Diệp Vấn năm 2008 đều đưa ra hình ảnh Diệp Vấn thâm trầm nhưng hết sức hào sảng, anh hùng, và tất nhiên là võ thuật tuyệt đỉnh, không hiểu một phần nguyên nhân cho cách xây dựng nhân vật này là để làm nổi bật hơn ... Lý Tiểu Long khi có một người thầy như Diệp Vấn hay không? Nếu đúng là như thế thì thật đáng tiếc cho hình ảnh của Diệp Vấn, nhất là khi kể cả tới nay nhiều khi người ta vẫn giới thiệu Diệp Vấn đầu tiên với tư cách là "thầy của Lý Tiểu Long" hơn là người đứng đầu cả môn phái Vịnh Xuân "tinh tuyền".  Chung cực nhất chiến tiếp cận Diệp Vấn theo hướng ngược lại 180 độ, một Diệp Vấn-người thường, một võ sư ít nói, sống trầm lặng trong những năm tháng sôi động nhất của hòn đảo Hồng Kông. 

Cách tiếp cận của bộ phim, chính xác hơn là cách tiếp cận của đạo diễn Khâu Lễ Đào chắc chắn sẽ khiến người hâm mộ phim võ thuật "kiểu Diệp Vấn" thấy chưng hửng, vì phim khá ít cảnh quay giao đấu, lại càng ít những trường đoạn Diệp Vấn "thể hiện" công phu thượng thăng của ông. Dù chẳng có nhu cầu xem Diệp Vấn thể hiện cho lắm (nói thực là tôi không khoái mấy phim về Diệp Vấn của Chân Tử Đan), nhưng tôi cũng ... chưng hửng vì truyện phim diễn tiến rất chậm rãi, ít kịch tính, kể cả những trường đoạn cao trào giao đấu cũng không khiến nhịp phim nhanh hơn hay kịch tính hơn. Về phần nhân vật, những nhân vật "phụ" của phim tuy có tính cách riêng nhưng đến cuối cùng lại chẳng để lại chút gì trong lòng khán giả, khi mà họ cứ bước vào rồi bước ra khỏi cuộc đời Diệp Vấn một cách bình thường "như cuộc đời vẫn thế", những câu chuyện về họ cũng như thế mà kết thúc dở chừng, dù chúng đủ chất liệu và xứng đảng được phát triển hơn thế. 

Nhưng xem rồi, nghĩ lại, tôi lại thấy có lẽ đấy mới là ý nghĩa của bộ phim, ý nghĩa của cuộc đời Diệp Vấn. Cuộc đời mỗi con người thật nhỏ bé, chỉ có triết lý võ học, ý nghĩa của những đường quyền Vịnh Xuân là còn mãi, rồi một ngày người ta có thể quên Diệp Vấn, và có lẽ ông cũng chẳng màng việc ấy, nhưng chắc chắn ông muốn rằng cái tinh túy của đường quyền nắm đấm sẽ được những thế hệ sau nắm giữ, tập luyện và hiểu từ trong tim. Vì thế mà trong phim, khi Lý Tiểu Long đề cập đến việc "phát dương quang đại" cho Vịnh Xuân, mắt Diệp Vấn sáng hẳn lên nhưng đến khi đệ tử nổi tiếng nhất của ông đề cập đến việc "quay phim", "kiếm tiền", cặp mắt ấy lại trở về với vẻ trầm mặc vốn có. Chỉ một chút thay đổi nhỏ, nhưng cũng đủ để thấy Diệp Vấn yêu quý võ học tới mức nào (tất nhiên ở đây phải kể tới diễn xuất tuyệt vời của Huỳnh Thu Sinh). Bộ phim có rất nhiều câu chuyện bỏ ngỏ [SPOILER!], tại sao Diện Vấn và vợ ông Trương Vĩnh Thành (Viên Vịnh Nghi) lại trở nên xa cách để rồi chẳng bao giờ còn gặp lại được nhau? tại sao Diệp Vấn không đáp lại mà cũng chẳng từ chối tình cảm của cô gái "xướng ca vô loài" Trân Ni (Chu Sở Sở) dành cho ông? Rút cục Đặng Thanh (Trần Tiểu Xuân) là người tốt hay người xấu? Chỉ có một điều rõ ràng, đó là hình ảnh của Diệp Vấn, một con người lặng lẽ, yêu quý võ học và học trò của ông hơn hết thảy, chỉ có như vậy, một Diệp Vấn bình thường, nhỏ bé giữa xã hội Hồng Kông thay đổi từng ngày, lớn lên từng ngày. Thật tiếc là phim được quay hơi "thường", quá nhiều voice-over, nhiều trường đoạn được dựng khá "truyền hình" và dàn diễn viên phụ chẳng để lại nhiều ấn tượng, nếu không có lẽ người xem sẽ còn ấn tượng hơn nữa với phim, và phim cũng sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn về lâu về dài. Nhưng có lẽ cũng chẳng nên mong đợi quá nhiều, hãy cứ giản dị mà đón nhận những bối cảnh hết sức chân thực về Hồng Kông thập niên 1950 và 1960, hãy cứ giản dị mà đón nhận cách kể chuyện hết sức đặc sắc qua những món ăn, cách truyền hơi thở của sự đổi thay, hơi thở của tình người vào những "cơm đĩa", những "cặp lồng" của một thời đã qua, giản dị như cái cách mà Diệp Vấn nhẹ nhàng đón nhận những khó khăn đầy rẫy của cuộc đời.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire