some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 24 mai 2010

Miss Marple


Agatha Christie phần I: Agatha Christie và phim hình sự

Agatha Christie phần II:

Nhân vật thám tử xuất hiện nhiều thứ hai trong các tác phẩm của Agatha Christie là Miss Marple, một lão bà thông minh, tinh tế và đặc biệt là khiêm tốn, ít nói trái ngược hẳn với phong cách huênh hoang tự cao của Hercule Poirot. Nhiều người, và bản thân tôi, khi bắt đầu đọc Miss Marple (như nhiều độc giả Việt Nam, tôi làm quen với Miss Marple bằng tiểu thuyết 4.50 from Paddington – một trong những tác phẩm hay nhất về Miss Marple) đều nghĩ rằng Miss Marple chính là hiện thân (cả về mặt dáng vẻ bên ngoài lẫn trí óc bên trong) của Agatha Christie, nhưng thực tế thì tiểu thuyết đầu tiên trong số 12 tiểu thuyết về Miss Marple, Murder at the Vicarage, được Agatha cho ra đời từ năm 1930 nghĩa là từ khi nữ nhà văn mới ở độ tuổi của bà vợ ông mục sư Griselda, một trong các nhân vật nữ chính của tác phẩm này. Và thực sự thì tôi cũng chẳng hề mong muốn việc Agatha Christie tạo ra Miss Marple để làm hiện thân của mình trên trang giấy, đơn giản vì tôi … rất ghét Miss Marple, nhân vật theo tôi là còn “đáng ghét” hơn cả Hercule Poirot – “người” bị Agatha Christie hắt hủi. Tôi ghét Miss Marple vì cách phá án và tiết lộ thủ phạm kiểu “vòng vo Tam Quốc” của bà, Miss Marple thường xuyên khiến các nhân vật trong truyện và độc giả ngoài đời phải “dài cổ” chờ đợi bà liên hệ các tình tiết vụ án với những câu chuyện rất “trời ơi đất hỡi” diễn ra ở cái làng St. Mary Mead của bà để rồi phải vò đầu bứt tai tự hỏi “những nhận xét vặt vãnh này thì có liên quan gì tới vụ án???”. Tất nhiên là chúng “có liên quan”, thậm chí là theo cái cách hết sức tinh tế và chỉ có thể xuất phát từ một con người có nhãn quan sâu sắc và toàn diện về cuộc sống nói chung và tâm lý, cách ứng xử của con người nói riêng. Nhưng dù có tinh tế đến mấy thì việc ngay cả ở những giờ phút cao trào Miss Marple vẫn tiếp tục từ từ, chậm rãi “kể lể” bằng giọng nói nhỏ nhẹ, hiền lành của bà chỉ khiến người đọc sốt ruột!

Trong số 12 tiểu thuyết của Agatha Christie về Miss Marple thì hay nhất có lẽ là những tiểu thuyết Agatha viết ở giai đoạn đầu (cho đến trước năm 1945) gồm Murder at the Vicarage, Sleeping Murder, The Body in the LibraryThe Moving Finger. Trong số này thì Sleeping Murder có số phận khá đặc biệt vì nó được Agatha viết từ khá sớm, từ giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng nó lại được bà “để dành” làm tiểu thuyết cuối cùng về Miss Marple, một quyết định chính xác vì tác phẩm tuy có cấu trúc truyền thống (kiểu vụ án phòng kín) và thậm chí là còn tương đối dễ đoán nhưng vẫn cực kì hấp dẫn người đọc thông qua cách dẫn dắt vụ án sáng tạo (và khó tin!) cùng tuyến nhân vật có chiều sâu. Trong giai đoạn sau (kể từ năm 1950) những tiểu thuyết của Agatha về Miss Marple tập trung khá nhiều vào việc phân tích tâm trạng nhân vật thay vì biến hóa với cách thức gây án, phá án, tiêu biểu là Nemesis, tiểu thuyết được ra đời chỉ vài năm trước khi nữ nhà văn qua đời. Tiểu thuyết này thuộc về dòng “phá án xảy ra trong quá khứ” mà Agatha từng rất thành công với Sleeping Murder, Five Little Pigs nhưng cũng có một số thất bại như Elephants Can Remember và chính Nemesis. Trong truyện Miss Marple phải phá án mà không hề có chứng cứ hay một gợi mở nhỏ nào, bà chỉ có thể sử dụng tài nhận xét và đối chiếu tâm lý con người của mình để tìm ra được thủ phạm với tư cách của một “Nữ thần báo oán” (Nemesis). Chỉ tiếc là Agatha Christie đã không thể tận dụng hết ý tưởng của mình khi bà quá sa đà vào những đoạn tự sự, suy nghĩ với nhịp kể rất chậm không hề thích hợp cho một tác phẩm trinh thám, đây cũng là nhược điểm của hầu hết các tiểu thuyết Agatha viết cuối đời (mà tiêu biểu nhất là tiểu thuyết rất tệ Postern of Fate – tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của Agatha Christie). Trong số 8 tiểu thuyết về Miss Marple viết ở giai đoạn sau thì vượt trội hơn cả có lẽ là 4.50 from PaddingtonThe Mirror Cracked from Side to Side. Nếu như 4.50 from Paddington lôi cuốn người đọc bằng phần mở đầu cực kì hấp dẫn và pha chút rùng rợn thì The Mirror Cracked from Side to Side lại hay theo cách rất riêng, đó là đẩy nhanh dần nhịp độ của truyện cho tới phần tiết lộ hung thủ - một trong những phần cuối theo tôi là hay và bất ngờ nhất trong văn nghiệp của Agatha Christie. The Mirror Cracked from Side to Side còn có một điểm sáng khác đó là cách Agatha xây dựng nhân vật chính Marina Gregg – một ngôi sao điện ảnh theo kiểu Sunset Boulevard rất thật, “rất Hollywood” (thậm chí bà Gregg còn mắc bệnh “nghiện xin con nuôi” chẳng khác nào cái “mốt xin con nuôi” hiện nay của các ngôi sao Hollywood). Đọc các tiểu thuyết về Miss Marple độc giả có thể rút ra hai nhận xét nhỏ, đó là cách xây dựng vụ án khá truyền thống và sự xuất hiện của những nhân vật nữ nổi bật, ấn tượng. Ngoại trừ At Bertram’s Hotel viết theo “kiểu Sherlock Holmes” và Nemesis quá tập trung vào tâm lý thì các vụ án Miss Marple tham gia đều là những vụ án phòng kín (closed-room case) với những động cơ gây án “truyền thống” của Agatha Christie là “tiền”, “tình” (crime passionnel) và che giấu quá khứ. Điểm đặc biệt trong loạt tiểu thuyết về Miss Marple là Agatha Christie thường xuyên đưa vào những nhân vật chính (ở cả tuyến chính diện và phản diện) là nữ với tính cách, tâm lý, hành động được mô tả rất công phu, chi tiết và trong nhiều trường hợp còn lấn át cả Miss Marple (vốn đôi khi chỉ xuất hiện để tiết lộ hung thủ). Điều này là một nét riêng khác hẳn so với các tiểu thuyết Agatha viết về Hercule Poirot, vốn luôn là trung tâm của câu chuyện và xóa mờ các nhân vật phụ xung quanh vị thám tử này. Một điểm khác biệt nữa của Miss Marple so với Hercule Poirot đó là ý niệm về thời gian. Nếu như suốt mấy chục tập tiểu thuyết về Hercule Poirot người ta ít khi thấy sự biến đổi về tuổi tác, cách suy nghĩ của Poirot (trừ tiểu thuyết “cuối cùng” Curtain: Poirot’s Last Case) thì qua từng tiểu thuyết về Miss Marple, người đọc có thể cảm nhận rõ tác động của thời gian đối với các nhân vật và bối cảnh tiểu thuyết, đó là một Miss Marple già hơn, yếu hơn, chìm vào suy tư nhiều hơn qua từng tiểu thuyết, đó còn là một nước Anh sau chiến tranh đang phát triển không ngừng và tự bứt mình ra khỏi những mối quan hệ xã hội truyền thống vốn ăn sâu cắm rễ kể từ thời Nữ hoàng Victoria.

Cuối cùng là “listmania”, theo tôi năm tiểu thuyết “đáng đọc” nhất về Miss Marple, xếp theo thứ tự ưu tiên là:
  • Sleeping Murder
  • The Mirror Cracked from Side to Side
  • The Body in the Library
  • Murder at the Vicarage
  • 4.50 from Paddington

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire