some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 4 février 2010

Châu Tinh Trì - The King of Comedy (Part 1)


Ảnh: Áp phích phim Vua hài kịch (King of Comedy) với hai diễn viên chính Trương Bá Chi và Châu Tinh Trì.

Như đã nói ở entry Best Hong Kong films of the decade, Châu Tinh Trì xứng đáng là đạo diễn "hiệu quả" nhất trong thập niên ở xứ Cảng thơm khi mà 2 trong số 3 bộ phim Châu đã "chễm chệ" ở vị trí thứ 3 và thứ 4 của Top 10. Một kết quả ... chẳng khiến ai ngạc nhiên vì trong vòng 20 năm trở lại đây, Châu Tinh Trì luôn luôn được coi là ông "vua hài kịch" của điện ảnh Hồng Kông. Vậy điều gì đã khiến Châu giữ được "ngai vàng" lâu đến vậy?

Cùng sinh năm 1962, Lương Triều Vỹ và Châu Tinh Trì là bạn bè của nhau ngay từ ngày hai người mới bước vào cổng đài truyền hình TVB - bệ phóng cho nhiều ngôi sao của làng điện ảnh Hồng Kông. Cả Lương và Châu đều có khổ người nhỏ con, không có vẻ ngoài ăn hình như Lê Minh, Lưu Đức Hoa, cũng không có dáng vóc to lớn phù hợp với các vai hành động như Châu Nhuận Phát và lại càng chẳng có khả năng võ thuật siêu đẳng như Lý Liên Kiệt (Châu-một người mê mẩn với hình tượng Lý Tiểu Long, rất thích học võ nhưng do nhà nghèo nên chỉ học được vài tháng rồi bỏ). Nhưng nếu như Lương Triều Vỹ, với khả năng diễn xuất bẩm sinh, nhanh chóng được các đạo diễn của TVB chọn vào vai "đinh" Vi Tiểu Bảo trong loạt phim truyền hình Lộc đỉnh ký 1984 để rồi vụt sáng không lâu sau đó thì Châu Tinh Trì mãi chỉ "lẹt đẹt" trong vai trò một người dẫn chương trình cho thiếu nhi. Châu Tinh Trì bắt đầu được biết tới trên màn ảnh lớn với vai diễn trong Final Justice (1988) của ngôi sao phim hình sự Lý Tu Hiền. Vai diễn tay trộm ô tô trong phim này đã đem lại cho anh đề cử đầu tiên, và là đề cử duy nhất cho một vai "nghiêm túc", ở Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1989. Tuy nhiên với những nhược điểm mang tính khách quan của mình, Châu Tinh Trì chẳng thể vươn lên trong làng điện ảnh Hồng Kông vốn đang do những tên tuổi như Châu Nhuận Phát, Thành Long hay Lý Liên Kiệt thống trị.

Final Justice

Quanh đi quẩn lại với những vai phụ hoặc vai chính nhưng là của những bộ phim nhanh chóng rơi vào quên lãng, Châu Tinh Trì chỉ có thể đổi vận nhờ một cái tên ... làm nhiều người nhăn mặt khi nói về điện ảnh Hồng Kông - Vương Tinh. Nói đến các đạo diễn tiêu biểu của Hồng Kông thời cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 người ta thường nhắc ngay tới Từ Khắc và Ngô Vũ Sâm, nhưng thực ra Vương Tinh cũng có ảnh hưởng lớn không kém tới thị trường điện ảnh lúc đó, chỉ khác ở chỗ các bộ phim của Vương dù ăn khách lại luôn bị chê bai thậm tệ. Phim của Vương Tinh hoặc chỉ chạy theo thị hiếu (loạt Thần bài, loạt Người trong giang hồ) hoặc có chất lượng nghệ thuật không cao, thậm chí là tệ hại (bao gồm rất nhiều phim cấp III như Raped by an Angel, Naked Killer hay Ebola Syndrome), vì thế Vương Tinh thường được gọi bằng những cái tên không lấy gì làm vẻ vang như "Master of Crappy Cinema" (Vua phim nhảm) hay "The Assasin of Hong Kong Cinema" (Kẻ ám sát điện ảnh Hồng Kông). Nhưng Vương Tinh chưa bao giờ lấy làm ngượng ngùng vì những biệt danh đó, ông tự hào là đằng khác và vẫn tiếp tục "chạy" theo thị hiếu vốn thay đổi như chong chóng của người dân Hồng Kông để cho ra đời những thể loại phim mới và những ngôi sao mới (tuy từ nửa sau thập niên 1990 vận may của Vương Tinh đã mất dần). Ngôi sao lớn nhất mà Vương Tinh từng phát hiện được không ai khác ngoài Châu Tinh Trì - diễn viên được ông chọn vào vai chính của All for the Winner, một phim hài nhại lại theo Thần bài (Châu Nhuận Phát đóng vai chính), bộ phim ăn khách nhất Hồng Kông mấy năm trước đó do Vương Tinh đạo diễn.

Trong bộ phim của đạo diễn Lưu Chấn Vỹ này (Vương Tinh chỉ đóng vai trò nhà sản xuất của All for the Winner) Châu Tinh Trì vào vai Tinh, một thanh niên Đại lục có "công lực" thâm hậu tới mức có thể nhìn xuyên thấu các lá bài hay hộp xúc xắc. Trong lần tới Hồng Kông thăm ông chú tên Đạt (Ngô Mạnh Đạt), Tinh được chú Đạt dạy chơi cờ bạc và nhanh chóng vươn lên địa vị "Thánh bài" mới của Hồng Kông. Và ngoài đời Châu Tinh Trì cũng vụt sáng để trở thành siêu sao mới của điện ảnh xứ Cảng thơm khi công chúng ngay lập tức bị lôi cuốn bởi cách diễn hài hước, tự nhiên với cái vẻ ngoài vô tư lự của họ Châu. All for the Winner trở thành phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông, vượt qua chính Thần bài, bộ phim mà nó nhại lại.

All for the Winner - a star is born

All for the Winner không chỉ đánh dấu bước ngoặt sự nghiệp cho Châu, nó còn giới thiệu cho công chúng những đặc điểm sau này đã trở thành thương hiệu trong phim hài Châu Tinh Trì, đó là dàn diễn viên phụ với Ngô Mạnh Đạt hay "chú Đạt", người tiếp tục đóng vai sidekick cho "thằng Tinh" trong gần 20 phim tiếp theo, cũng phải kể tới Trương Mẫn, nữ diễn viên xinh đẹp này sau đó còn đóng với Châu tới 10 phim và thường xuyên thủ vai bạn gái hoặc thậm chí là vợ của Châu Tinh Trì. All for the Winner cũng chứa đựng đặc điểm nổi bật nhất của phim hài hay cách diễn hài theo kiểu Châu Tinh Trì - chọc cười khán giả bằng những câu thoại liến thoắng đôi khi chẳng ăn nhập gì với nội dung phim nhưng lại là chất kết dính cho từng cảnh phim ngắn và nhất là yếu tố gây cười cực kì hiệu quả, tất nhiên với điều kiện là khán giả phải hiểu được ít nhiều cái nền văn hóa (Quảng Đông-Hồng Kông) của những câu thoại hài hước đó. Những bộ phim hài mo lei tau (vô lý đầu) như vậy đã trở thành dòng phim duy nhất mà Châu Tinh Trì theo đuổi và hoàn thiện trong suốt 10 năm sau đó. Nhưng đó cũng là chi tiết hạn chế khiến Châu chỉ có thể nổi tiếng, cực kì nổi tiếng, trong cộng đồng nói tiếng Hoa và những nước chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc - như Việt Nam, còn với điện ảnh phương Tây thì cái tên Châu Tinh Trì chỉ được biết tới nhờ Đội bóng Thiếu Lâm (2001) - một phim cực kì ít yếu tố mo lei tau, đơn giản vì khán giả phương Tây khó lòng có thể cười trước những câu thoại đụng tới các chi tiết của một tiểu vùng văn hóa tương đối riêng biệt ở châu Á. Bên cạnh trademark này, phim của Châu cũng tạo được chỗ đứng riêng nhờ diễn xuất tỉnh rủi nhưng lại cực kì hài hước của Châu Tinh Trì cùng những chi tiết nhại lại các bộ phim, nhân vật nổi tiếng và kịch bản đơn giản về kết cấu nhưng cực kì sáng tạo về nội dung khiến khán giả không thể đoán được bộ phim sẽ diễn ra theo chiều hướng nào (và vì thế sẽ tiếp tục cười cho đến ... cuối phim).

Sau All For The Winner, Châu Tinh Trì tiếp tục khẳng định vị trí của mình qua những bộ phim mang phong cách tương tự nhưng được trau chuốt hơn để làm nổi bật khả năng diễn xuất (và chọc cười) của Châu. Đúng với phong cách "thấy bở đào mãi" của mình, Vương Tinh kết hợp Lưu Đức Hoa - ngôi sao của Thần bài bên cạnh Châu Nhuận Phát, và Châu Tinh Trì để cho ra đời Thần bài II, và sau đó đưa Châu Tinh Trì ... quay ngược lại thời gian để trở thành thần bài bên cạnh người đẹp Đại lục Củng Lợi trong God of Gamblers Part III - Back to Shanghai, một bộ phim cũng nhại lại tác phẩm lừng danh gắn với tên tuổi của Châu Nhuận Phát khác, đó là Bến Thượng Hải. Không dừng lại ở việc nhại những phim đã có tiếng tăm, "nhị Tinh" (Vương Tinh - Châu Tinh Trì) còn thành công trong những phim hài lấy đề tài hoàn toàn mới như Tricky Brains (1991, phim cuối cùng Châu hợp diễn với Lưu Đức Hoa) và đặc biệt là loạt phim hành động hài Fight Back to School (1991) do Trần Gia Thượng đạo diễn. Trong phim này, Châu Tinh Trì thủ vai một đặc cảnh (cảnh sát đặc nhiệm) được giao nằm vùng trong một trường cấp III để điều tra một vụ ăn trộm súng. Ý tưởng độc đáo - "nhét" một cảnh sát với tài nghệ siêu đẳng vào lốt một cậu học sinh cấp III đã giúp Châu tận dụng được tối đa khả năng diễn hài của mình, tung hứng với Châu như thường lệ vẫn là "cô giáo xinh đẹp" Trương Mẫn và "đồng nghiệp nằm vùng" Ngô Mạnh Đạt với vô số những cảnh quay hài hước vô cùng đáng nhớ như Châu thổi bóng bay bằng ... bao cao su hay đỡ giẻ lau bảng của giáo viên với phong cách rất ... cảnh sát. Được coi là một trong những phim "đinh" của Châu Tinh Trì trong thập niên 1990, Fight Back to School đã phá kỉ lục về doanh thu ở Hồng Kông của All For the Winner.

Fight Back to School - typo này cũng nhại lại Back to the Future thì phải

Với thành công ngày càng nở rộ của mình, Châu lại nhanh chóng phá bỏ kỉ lục doanh thu của Fight Back to School bằng một bộ phim khác - Justice, My Foot! (1992), một phim pháp đình (xử án) cổ trang (bối cảnh thời nhà Thanh) do đạo diễn lúc này còn chưa có tiếng tăm lắm Đỗ Kỳ Phong thực hiện. Thế chỗ của Trương Mẫn trong bộ phim này là Mai Diễm Phương, diễn viên uy lực hàng đầu của Hồng Kông lúc này với cách diễn có lửa (nhiều khi lấn áp cả bạn diễn nam), Ngô Mạnh Đạt cũng xuất hiện nhưng lần đầu tiên trong vai trò "đối thủ" của đại trạng sư Tống Chí Kiệt-Châu Tinh Trì. Nằm trong cơn sốt phim pháp đình thời đó của Hồng Kông - Đài Loan (với những Hồ sơ trinh sát, Hồ sơ công tố và đặc biệt là Bao Thanh Thiên), Justice, My Foot! có nội dung không thực sự đặc sắc, vẫn là phá án-bào chữa nhưng với "cái mồm" của Châu Tinh Trì thì đến con kiến cũng phải bò ra khỏi hang để mua vé xem phim với kết quả là Justice, My Foot! trở thành phim ăn khách nhất Hồng Kông năm 1992. Các phim xếp từ thứ 2 đến thứ 5 trong danh sách phim ăn khách năm đó là All's Well, Ends Well (phim mở đầu cho dòng phim "Cung hỉ phát tài" vào dịp đầu năm mới ở Hồng Kông), Royal Tramp, Royal Tramp IIFight Back to School II, tất cả ... đều vẫn do Châu Tinh Trì đóng vai chính! Bộ đôi Royal Tramp do Vương Tinh sản xuất là môi trường không thể thuận lợi hơn cho Châu Tinh Trì "trổ tài" khi anh được giao diễn nhân vật hài hước và đặc sắc nhất trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung - Vi Tiểu Bảo của Lộc đỉnh ký. Dù thua Justice, My Foot! về mặt doanh thu nhưng có lẽ chất lượng của Royal Tramp phải xếp trên một bậc khi Vương Tinh đã tìm được công thức tốt nhất để chuyển thể Lộc đỉnh ký lên màn ảnh lớn - Châu Tinh Trì + nhấn mạnh yếu tố hài hước + nhại phim kiếm hiệp đương thời (như Tiếu ngạo giang hồ) + dàn diễn viên nữ xinh đẹp (Trương Mẫn, Khưu Thục Trinh, Lý Gia Hân, Viên Khiết Anh và đặc biệt là Lâm Thanh Hà - vẻ đẹp ấn tượng nhất của điện ảnh Hồng Kông trong suốt mấy chục năm qua). Bên cạnh Royal Tramp, Fight Back to School II vẫn tiếp tục phong độ của phần đầu tiên và còn giới thiệu được một ngôi sao trẻ xinh đẹp và tài năng cho điện ảnh Hồng Kông - Chu Ân, truyền thống "phát hiện tài năng nữ mới" của Châu Tinh Trì bắt đầu từ chính bộ phim này.

Royal Tramp (Tân Lộc đỉnh ký) với Vi Tiểu Bảo-Châu Tinh Trì và Thần Long thánh nữ-Lâm Thanh Hà

6 commentaires:

  1. Châu Tinh Trì quả nhiên là quái kiệt của điện ảnh HK. Nghe đồn là anh cũng có dính dáng với Hội Tam hoàng nên đường sự nghiệp mới phất lên và ổn định đến vậy. Châu Tinh Trì đóng phim với toàn đại mỹ nhân của HK, TQ không: Trương Mẫn khỏi kể, Lý Gia Hân, Củng Lợi, Trương Bá Chi, Lâm Thanh Hà, Triệu Vy, Huỳnh Thánh Y...

    Fight Back To School chắc dịch là Học Trường Uy Long (hình như 3 tập). Hôm rồi tình cờ xem lại Shaolin Soccer với Kungfu Hustle. Trong Kungfu Hustle có 1 đoạn dịch sang tiếng Anh rất khá là đoạn vợ chồng ông bà chủ khu chung cư: tiếng Hoa thì đọc là Dương Quá Tiểu Long Nữ còn tiếng Anh thì dịch là Paris and Helen of Troy. Quá sáng tạo và buồn cười. Xem đoạn này cười gấp đôi :))

    Bộ ba CTT-Ngô Mạnh Đạt - Nghiêm Hoa có thể so sánh với bộ ba Thành Long - Nguyên Bưu - Hồng Kim Bảo.

    RépondreSupprimer
  2. Trời bạn Sirius toàn bình những cái thuộc về phần 2 thế này :D. Đánh giá về Tuyệt đỉnh công phu chính ra khác biệt phết nhé, vì dân "nghiện" Châu Tinh Trì từ thời kỳ đầu có khi lại không thích lắm vì nó "ít chất Châu" hơn và mang nhiều tính quốc tế (Hollywood) hơn.

    Cái dịch Paris & Helen of Troy công nhận sáng tạo phết nhỉ :D, chứ cứ dịch Landlady với Landlord làm anh em mê phim chưởng cứ gọi là lấy tay che miệng cười.

    RépondreSupprimer
  3. Haha, đã đánh giá gì về Kungfu Hustle đâu. Mới xếp chung nó với Shaolin Soccer thôi. Chờ xem phần 2 :D

    RépondreSupprimer
  4. Bên LoveHKFilm đang có bình chọn phim HK hay nhất thập niên 1990:

    http://www.lovehkfilm.com/blog/damnyoukozo/2010/02/12/top-50-hong-kong-movies-of-the-nineties-voting-now-open/

    Không biết Châu Tinh Trì sẽ có mấy phim nữa :D, tui đoán thì chắc chắn sẽ có God of Cookery và A Chinese Odyssey, không biết gu của mình có trùng với gu của mọi người không.

    RépondreSupprimer
  5. nói về dịch phim, tui vẫn nghĩ dòng phim CTT thành công ở VN một phần do nhóm lồng tiếng hải ngoại
    (Châu Tinh Trì + Chú Ba Đạt + nhóm lồng tiếng)
    Nhóm này dịch thì quả là nhảm không thua gì cái nhảm của anh Châu
    Ví dụ trong phim Vua phá hoại (phá hoại chi vương hay Love on Delivery) sự phụ (Ngô Mẫn Đạt) thò đầu ra cửa chửi Châu. Ở dưới rõ ràng là ghi "go to hell" thì nhóm lồng tiếng dịch là "anh sẽ mắc bệnh hoa liễu" hay như phim trường học uy long, ông thầy giảng về cung hình, Châu hỏi cung hình là gì, ông thầy bảo : tức là cắt con chim đó

    RépondreSupprimer
  6. Hehe đáng ra là phải có Châu Tinh Trì (Part 3) để nó về kỉ niệm xem phim Châu Tinh Trì do nhóm "Cô Lý" lồng tiếng :p. Khi nào có thời gian nhất định mình sẽ viết phần III :p!

    RépondreSupprimer