some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 5 décembre 2009

Inglourious Basterds (2009) - Ngoại ngữ cho người ngại nghĩ


Một lời khuyên chân thành cho ai muốn xem phim của Quentin Tarantino nhưng không cực (nhấn mạnh là "cực") giỏi tiếng Anh (có nghĩa là đọc hiểu thì không đến nỗi nhưng nghe thì làng nhàng - như tôi), đó là down DVDrip hoặc mua đĩa, đừng cố công ra rạp xem làm gì vì sẽ khó lòng cảm nhận hết phần thoại cực kì tinh tế do Tarantino dụng công sáng tạo ra. Kể từ bộ phim đầu tay Reservoir Dogs, Tarantino đã cho người xem thấy cái trademark của ông đó là phần thoại - nhân vật trong phim Tarantino nói cực nhiều, cực lan man tới mức có vẻ "vô duyên", lắm lời trong khi thực ra từng câu chữ trong phần thoại đó đều gắn liền với các chi tiết trong phim, không trực tiếp thì gián tiếp, hay nói cách khác thì thoại chính là "động cơ" giúp cho "chiếc ô tô" phim Tarantino chạy.

10 năm, đó là quãng thời gian Tarantino bỏ ra để viết kịch bản Inglourious Basterds, chỉ con số đó thôi cũng đủ để chứng tỏ chất lượng của kịch bản (mà phần quan trọng nhất là thoại) của tác phẩm này được Tarantino trau chuốt đến mức nào. Trong bộ phim này, Tarantino đã nâng "trình" thoại lên một tầm cao mới, thay vì thoại tiếng Anh thông thường, Tarantino sử dụng tới 3 ngôn ngữ chính Đức - Anh - Pháp, chưa kể vài câu thoại tiếng Ý tuy ngắn nhưng cực kì hài hước và ấn tượng. Không chỉ thế, Tarantino còn chú ý tới từng giọng (accent) của diễn viên: Đức có Đức Munchen, Đức Frankfurt và Đức ... do người Anh giả giọng; Anh có Anh Anh, Anh Scotish, Anh Mỹ Do Thái, Anh Mỹ (nhà quê) Tennessee, Anh do người Đức nói, Anh do người Pháp nói; Pháp có Pháp Pháp, Pháp do người Đức nói. Và để đùa với chính cái tài viết thoại đa ngôn ngữ của mình, Tarantino đã để nhân vật của ông "phát biểu" một câu thoại hết sức châm biếm, gây cười mà cũng rất thật:
Bridget von Hammersmark: I know this is a silly question before I ask it, but can you Americans speak any other language besides English?
Đúng vậy, các nhân vật người Mỹ trong phim không những không biết bất cứ thứ tiếng nào khác mà ngay thứ tiếng Anh của họ cũng méo mó theo kiểu "nhà quê" miền Nam nước Mỹ, chất giọng miền Nam của Aldo Raine mà cứ câu thoại nào tuôn ra là cù khán giả cười câu đó có lẽ là điểm sáng duy nhất trong diễn xuất của Brad Pitt (thực ra Pitt cũng là người miền Nam vì vậy điều này chắc không quá khó khăn, nhất là khi Pitt vừa có một vai diễn đặc sệt miền Nam trong The Curious Case of Benjamin Button). Khả năng ngoại ngữ kém của người Mỹ được thể hiện rõ nhất trong đoạn nói tiếng Ý, 3 anh chàng Basterd thậm chí còn không thể phát âm nổi cái tên Ý giả của mình (tên người Ý đọc có trọng âm nặng, điều không dễ dàng với người Mỹ vốn có accent nhẹ) và hài hước nhất là anh chàng tự nhận mình "không biết tiếng Ý" hóa ra lại là người duy nhất nói được mấy câu tiếng Ý ra hồn.

Người thủ vai ngôi sao điện ảnh Đức Bridget von Hammersmark nói trên là Diane Kruger, một diễn viên tôi không ưa thích lắm vì cô có nét mặt tương đối ăn hình nhưng diễn xuất thì luôn cứng đờ và gượng gạo (gần đây có Pour Elle có khá hơn - phim này sắp được Hollywood làm lại). Ấy vậy mà ở Inglourious Basterds Kruger lại diễn cực tốt trong vai gián điệp hai mang von Hammersmark, phần thoại Anh-Đức-Pháp được Kruger đọc hoàn toàn "mượt" và không bị lẫn giọng, Tarantino có lẽ cũng đã tinh ý khi chọn một nữ diễn viên Đức từng đóng rất nhiều phim cả ở Pháp và Mỹ này.

Diễn viên tuyệt vời nhất của Inglourious Basterds hiển nhiên không phải ai khác ngoài Christoph Waltz, người thủ vai Hans Landa, "siêu sĩ quan" của Nazi với tài "suy nghĩ như người Do Thái", khả năng lập luận và biện bác siêu đẳng cùng trình độ tiếng Anh, Pháp, Ý (có lẽ còn nhiều nữa) không thể chê vào đâu được. Khác với Kruger, tôi chưa bao giờ thấy Waltz đóng phim Pháp vì vậy khi ông này mở mồm nói tiếng Pháp tôi đã rất ngạc nhiên vì chất giọng thuần thục và không hề lẫn accent nặng kiểu Đức của Hans Landa. Ngạc nhiên dẫn tới tò mò vì ngay lập tức Hans Landa đề nghị ông chủ nhà người Pháp chuyển sang nói tiếng Anh vì "trình độ tiếng Pháp có hạn" (thực tế không phải vậy), lúc đầu tôi tưởng đó là "lý do" để Tarantino chuyển thoại về tiếng Anh cho khán giả Mỹ dễ theo dõi, hóa ra không phải như vậy, việc Hans Landa chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Anh hoàn toàn có lý do riêng của nó (đúng như phong cách viết thoại của Tarantino - không bao giờ có thứ gì thực sự vu vơ).

Một nhân vật sĩ quan Đức khác cũng cực kì ấn tượng đó là tay Gestapo áo đen Hellstrom trong trường đoạn tại quán rượu. Lại một bộ óc tinh tường và cái tai thính nhạy khác, các nhân vật phe "xấu" trong phim này rõ ràng được đặc tả hay hơn nhiều lần so với các nhân vật phe "thiện" (mặc dù thực tế thì ít khi Tarantino phân định rạnh ròi cái ranh giới này trong phim ông). Nếu Tarantino nói tiếng Pháp - Đức tốt, hẳn ông đã thủ luôn vai tay chủ quán rượu, một vai "vớ vẩn" đúng kiểu Tarantino! (và Tarantino đã từng đóng một vai như vậy trong Death Proof). Cái góc quay từ phía sau người thứ ba trong trường đoạn đó cũng thường là trademark của Tarantino với điều kiện ông là ... cái vai trong khung hình, tiếc là bộ phim này đòi hỏi một người nói tốt cả tiếng Pháp và tiếng Đức. Diễn viên thủ vai "nhỏ tí" này thực tế cũng là một người gây ấn tượng với tôi trong Der Untergang (The Downfall).

Thực ra trong phim này Tarantino còn sử dụng một diễn viên cực giỏi ngoại ngữ khác, đó là Julie Dreyfus, cô là người Pháp nhưng nói thông thạo tiếng Đức, Nhật, Anh. Vai của Dreyfus trong Inglourious Basterds khá nhỏ và chỉ đủ "đất" để cô phô diễn trình độ tiếng Đức, nhưng nếu ai đã từng xem Kill Bill Vol. 1 thì đều đã được nghe thứ tiếng Nhật và Anh không chê vào đâu được của cô gái Pháp (Dreyfus, có lẽ là gốc Do Thái?) này.

Nói về ngoại ngữ người ta thường có câu: Tiếng Anh là thứ tiếng của giao tiếp kinh doanh, tiếng Ý là tiếng cho tình yêu, tiếng Pháp là tiếng cho văn học nghệ thuật và tiếng Đức là thứ tiếng cho chiến tranh. Câu nói này dựa vào accent đặc trưng của người bản địa khi nói thứ tiếng đó và cũng dựa vào lịch sử của các quốc gia liên quan - người Anh, Mỹ thì luôn tính toán sòng phẳng, người Ý luôn mơ mộng với tình yêu, người Pháp chỉ biết tới nghệ thuật còn người Đức nổi tiếng với kỷ luật và khả năng chiến đấu. Inglourious Basterds chính là minh chứng cho câu nhận xét này, anh lính đẹp trai Zoller luôn đong đưa với Shosanna bằng tiếng Pháp, có đoạn nào đậm chất "kinh doanh" hơn đoạn Landa "mặc cả" điều kiện đầu hàng với OSS, có câu thoại nào điên loạn hơn ba tiếng "Nein, nein, nein!" mà Hitler thốt ra khi nghe cấp dưới trình bày về nhóm Basterds.

Vừa rồi chỉ là một khía cạnh rất nhỏ để cho thấy Tarantino đã trân trọng tác phẩm của mình (và vì thế, trân trọng khán giả) đến mức nào. Mà thực ra thì có ai là không nhận ra điều này ngay khi tiếp xúc với cái tựa đề rất ... trẹo mồm của phim?

4 commentaires:

  1. Bravo! Quentin ngâm kịch bản Inglourious Basterds nhiều khi cũng vì không được duyệt cho quay sớm hơn. Mà nhờ thế nên kịch bản càng trau chuốt hơn nữa. Thích nhất đoạn Landa xin phép nói tiếng Anh. Quá uyển chuyển, tui lúc đầu hơi ngạc nhiên (vì cũng nghĩ là để cho khán giả Mỹ đỡ phải đọc phụ đề ai ngờ...) sau là cực kỳ thích thú. Đúng là một công đôi ba chuyện, và dựng quá uyển chuyển. Sáng tạo đến thế này là cùng :)

    RépondreSupprimer
  2. Cái đoạn nói chuyện trong quán rượu cũng siêu phàm! Không có em Kruger giải thích cho Pitt lúc sau thì chắc đến giờ mình vẫn ngớ người vì không biết làm sao chú sĩ quan Gestapo bắt vị được chú sĩ quan Anh. Mà chú sĩ quan Anh thì đoạn chuẩn bị trước đó cứ luôn mồm hỏi Pitt "thế thằng kia có tin được không, có bình tĩnh không", cuối cùng lại tạch đầu tiên, đúng là Tarantino!

    RépondreSupprimer
  3. xem ra bác hiểu tiếng người hơn tiếng mẹ đẻ nhỉ. Lỗi chính tả lặp lại những 2 lần ở đoạn cuối kia thực sự là hạt sạn không thể nào nhai nổi bác à. Anw, mình TRÂN TRỌNG những ý kiến của bạn về tác phẩm. T4S!

    RépondreSupprimer
  4. Cảm ơn bạn đã đọc và góp ý :), mình đã sửa.

    RépondreSupprimer