some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 12 décembre 2009

District 9 (2009), The Blind Side (2009)


District 9 có thể nói là một tác phẩm mang tính đột phá trong dòng phim alien - người ngoài hành tinh xâm chiếm Trái Đất vốn tưởng như đã không còn gì mới để khai phá. Bộ phim làm mới cái chủ đề cũ rích này bằng một cách đơn giản - đặt ngược lại vấn đề: Mọi việc sẽ ra sao nếu chính những người ngoài hành tinh mới là tầng lớp hạ đẳng, bị loài người đàn áp, ức hiếp và khinh miệt? Đây là cách đặt ngược vấn đề quá sức thông minh vì nó vừa mới, lại vừa giúp đạo diễn tận dụng được trực tiếp những sự kiện lịch sử có thật về tệ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi để biến District 9 thực sự trở thành tấm gương phản chiếu xã hội thay vì hoặc động chạm một cách nửa mùa (hay tệ hơn nữa là quên bẵng đi nội dung mà chỉ tập trung vào kĩ xảo - The Transformers) như Terminator: Salvation hoặc dùng ẩn dụ quá sâu sắc khiến khán giả bình thường khó lòng hiểu hết ý nghĩa như Children of Men.

Bộ phim được mở đầu bằng một khúc khá dài (và khá mệt mỏi) để giới thiệu về nhân vật Wikus, một nhân viên phụ trách quản lý lũ "mọi" (prawn, "nigger" của người ngoài hành tinh) người ngoài hành tinh, và những sự kiện bất ngờ đã biến anh ta từ phía con người nay lại quay sang hàng lũ của lũ "mọi" với một tình cảm chân thành thực sự. Mặc dù đây là đoạn "vào đề" nhưng thực chất những sáng tạo về nội dung và cách làm phim của District 9 tập trung hầu hết ở đây, thông qua những đoạn phóng sự, trả lời phỏng vấn ngắn dạng mockumentary, bộ phim dần xây dựng nên một xã hội Nam Phi đặc sắc, vừa gần gũi vì quan hệ phân biệt chủng tộc người-"mọi" không khác gì quan hệ phân biệt chủng tộc da trắng-da đen trước kia, vừa lạ lùng đặc sắc vì lần đầu tiên trên màn ảnh người ta thấy những alien có bề ngoài sâu bộ gớm ghiếc nay không còn là nỗi sợ hãi của loài người, ngược lại còn trở thành cái bia để con người tống khứ tất cả những sai lầm của chính họ và những cách đối xử tàn bạo, phi nhân tính nhất. Do apartheid là thứ không hề gần gũi với khán giả quốc tế (bên ngoài Nam Phi người ta chỉ biết tới đơn giản apartheid = da trắng phân biệt chủng tộc với da đen chứ không biết "phân biệt chủng tộc" ở đây là như thế nào) nên phần "khởi động" này của phim theo tôi là hơi dài so với một tác phẩm giải trí vì (không còn cách nào khác) phải dài như vậy mới đủ giúp khán giả hình dung được bối cảnh của một xã hội kiểu apartheid là như thế nào.

Phần cuối của phim khiến tôi ngạc nhiên vì trình độ kĩ xảo ấn tượng so với con số đầu tư 30 triệu USD của phim, tuy không thể "mượt mà" như The Transformers nhưng District 9 lại sáng tạo và gần gũi hơn nhiều với những vũ khí, người máy theo kiểu manga Nhật Bản (Akira, Appleseed,...). Phần này cũng "sến" hơn rất nhiều so với phần mở đầu, đặc biệt là trong cách tận dụng hình ảnh "anh người ngoài hành tinh" ngơ ngác trước lũ người Trái Đất tàn bạo và nham hiểm. Bản thân cách xây dựng tương phản hình ảnh Wikus dễ mến, ngố ngố ở đầu phim và hình ảnh Wikus bẩn thỉu, dị hợm, đau đớn ở cuối cũng là một cách "sến hóa" khá lạ của dòng phim khoa học giả tưởng, thật may là ở District 9 này nó đem lại hiệu ứng tốt vì xem những trường đoạn đặc tả Wikus rõ ràng sẽ khiến người xem cảm động. Với sự lệch pha về nội dung như vậy, phần đầu và phần cuối của phim bị "vênh" khá lớn, tôi không muốn nói là phần nào "hay" hơn phần nào (cả hai phần đều có nét đặc sắc riêng), nhưng điều này đã khiến phim không được đồng nhất và vì thế District 9 mới chỉ dừng lại ở mức một phim giải trí hay chứ chưa thể trở thành "kim chỉ Nam" mới cho dòng phim alien.


Xem phim này xong có lẽ câu bình luận thích hợp nhất là: "Hollywood at its best!". Không giàu kịch tính hay sự bất ngờ (vì là phim tiểu sử), không có dàn diễn viên "sao" hoặc thực sự nổi về diễn xuất (có thể trông đợi gì từ Sandra Bullock và Tim McGraw?), không có phần thoại sâu sắc hay kĩ xảo độc đáo, nhưng The Blind Side vẫn ăn khách (một cách không hề rẻ tiền), vẫn cuốn hút người xem và khiến họ trầm trồ vì khả năng làm phim của các nhà điện ảnh Hollywood.

The Blind Side kể về câu chuyện của Michael Oher, một cậu thiếu niên da đen "khổng lồ" có thời thơ ấu bất hạnh nhưng đã vượt qua được cuộc sống khó khăn để trở thành một ngôi sao của làng bóng đá Mỹ (American football). Tất nhiên thành công không từ trên trời rơi xuống, nó có được một phần nhờ vào nghị lực của Oher và một phần rất lớn khác nhờ vào sự giúp đỡ, động viên từ mẹ nuôi của anh, Leigh Anne Tuohy. Nửa tiếng đầu của bộ phim được dành để khắc họa số phận cay đắng của cậu thiếu niên Michael và cuộc gặp gỡ tình cờ của bà Tuohy với Michael trong một đêm mưa lạnh. Đã lâu rồi tôi mới được xem 30 phút phim cảm động đến như vậy, tôi tin là nhiều chị em gái sẽ phải rơi nước mắt khi xem Michael to béo phải co ro trong đêm lạnh và nỗi cô đơn đến cùng cực, và chắc nhiều người cũng sẽ phải rơi nước mắt vì cách cư xử mạnh mẽ nhưng đầy tình thương và sự quan tâm của bà Tuohy - một phụ nữ da trắng có tất cả (một gia đình hạnh phúc, một công việc thành đạt, một ... chiếc BMW 7 series) với Michael - một cậu thiếu niên cả đời chưa bao giờ có nổi một cái giường cho riêng mình. The Blind Side thành công ở chỗ phim không hề "câu nước mắt" bằng việc nhấn mạnh vào chi tiết sướt mướt đậm chất mélo, bộ phim tiểu sử này chỉ kể lại sự việc bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh giản dị với phần thoại không hề hoa mỹ và các nhân vật cũng giản dị không kém như cái chất giọng "nhà quê" bẹt bẹt miền Nam của họ. Chính sự giản dị đã tạo hiệu ứng tốt cho phim và khiến cho nửa tiếng đầu của The Blind Side thành công đến vậy.

Phần mở đầu xuất sắc làm tôi lo ngại rằng phim sẽ bị vênh nếu "khúc" còn lại được làm không tốt. Và quả thực là phần sau của phim không được tốt như phần mở đầu. Đạo diễn vì trung thành với tính chất phim tiểu sử nên đã hạn chế tối đa mọi sự kịch tính hóa không cần thiết (nhưng cũng làm giảm sự hấp dẫn của phim), chủ đề thể thao, một đặc điểm khác có thể tăng tính hấp dẫn cho phim, cũng không được tận dụng, The Blind Side thay vào đó chỉ tập trung khắc họa sự biến đuổi của Michael sau khi trở thành thành viên của nhà Tuohy và của bà Tuohy sau khi nhận nuôi dưỡng Michael. Dù sao phần này cũng không quá "kém" đến mức làm tôi thất vọng (tôi chưa bao giờ hy vọng rằng một feel-good movie có thể "đẻ" ra điều gì đột phá) vì nội dung nhẹ nhàng, dung dị của phim cũng đã đủ khiến tôi bất ngờ nếu so với cái cách làm phim "hở ra" là kịch tính hóa như Hollywood. Có lẽ Michael Oher và bà Tuohy ngoài đời cũng sẽ hài lòng vì The Blind Side khi hình ảnh của họ trong phim được khắc họa như những người hết sức bình thường chứ không phải như những nhân vật điện ảnh (phần générique cuối phim có hình ảnh thật của Michael và bà Tuohy, họ không khác nhiều so với mô tả trên phim), thành công này phải kể tới diễn xuất của Bullock, người thủ vai bà Tuohy, và Quinton Aaron, người thủ vai Michael. Vẻ ngoài hiền lành của Aaron khiến người xem lập tức có cảm tình với nhân vật Michael của anh trong khi Bullock trong một vai "nghiêm túc" hiếm hoi đã cho thấy cô hoàn toàn có khả năng không dùng những pha hài (nhảm) mà vẫn khẳng định được tính cách của nhân vật.

Nói một cách văn vẻ thì The Blind Side giúp khán giả thấy rằng ở đâu đó vẫn có những con người nhân hậu, còn nói một cách đơn giản thì The Blind Side là một bộ phim gia đình tuyệt vời cho mùa nghỉ lễ này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire