some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 4 novembre 2009

Bụi quý (phần 1)

Trích đoạn truyện ngắn Bụi quý của K.Paustovsky:
Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng.
Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh
Bông Hồng Vàng của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ.
Trong bài viết này tôi muốn nói tới một người thợ bạc cần mẫn gom bụi quý của đời như thế, đó là đạo diễn người Nhật Yasujiro Ozu, hay như mọi người vẫn gọi ông một cách kính trọng là Ozu sensei - thầy Ozu. Có lẽ Ozu không phải là một cái tên quen thuộc với người chỉ thích phim Nhật đương đại, ông thuộc về giai đoạn hoàng kim của điện ảnh đất nước Mặt Trời mọc từ thập niên 1950, và ngay cả xét trong giai đoạn đó thì Ozu cũng không thể nào nổi bật như hai cái chân kiềng còn lại của điện ảnh Nhật - Akira Kurosawa và Kenji Mizoguchi. Bản thân Ozu cũng từng nhận xét rằng nếu như hai người bạn của ông thuộc về "bè cao" với những bộ phim ngay lập tức gây tiếng vang lớn ở trường quốc tế thì bản thân Ozu lại thuộc về "bè trầm" khi mà các tác phẩm của ông chỉ được thế giới biết tới hơn một thập niên sau khi ông qua đời - Ozu mất sớm, ông qua đời vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 60 của mình (năm 1963). Trong thư viện của tôi có khá nhiều đĩa DVD và băng VHS phim Ozu, chúng có cái bìa giống hệt nhau-một tờ giấy nhàu nhĩ in màu cảnh phim trong Bonjour hoặc Fleur d'équinoxe cùng ba chữ cái tướng "OZU". Tất cả chỉ có vậy, đĩa khá "ế" vì lần nào tôi lần đến ngăn vần O cũng vần từng ấy đĩa, cũng phải thôi, ngay cả ở cái xứ văn hóa cao này thì Ozu cũng làm sao "hot" được bằn The Dark Knight hay OSS 117 (một dạng 007 made in France). Cuối cùng thì tôi cũng thử mượn Voyage à Tokyo về xem, để rồi mượn tiếp Dernier Caprice, Le Goût du saké và tất cả những phim nào có cái chữ "OZU" to đùng ấy.

What've we seen here?

Trong điện ảnh có hai típ đạo diễn thường thấy, một là những người cực kì kĩ tĩnh, làm một phim mà mất tới hàng năm trời, bắt diễn viên đóng đi đóng lại một cảnh quay hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, một típ khác lại là những người cần mẫn mỗi năm cho ra đời một phim với nhu cầu tối thượng là diễn đạt những ý tưởng đầy ắp trong đầu họ thành hình ảnh, bất kể việc chúng có trở thành kiệt tác hay không. Đại diện cho típ đạo diễn thứ nhất chắc nhiều người sẽ nghĩ ngay ra là ai - Stanley Kubrick, gần 50 năm làm phim ông chỉ cho ra đời chừng trên 10 tác phẩm, tức là trung bình cứ 5 năm mới xong một phim, nhưng hầu như phim nào của ông cũng được liệt vào hàng kiệt tác, vừa tinh xảo về chi tiết, vừa đột phá về cách thức thể hiện ngôn ngữ điện ảnh. Ozu là người thuộc típ đạo diễn thứ hai, trong vòng chưa đầy 40 năm ông đã hoàn thành tới trên 50 bộ phim, nếu không tính giai đoạn phim câm đầu tiên dễ dàng "đẻ xòn xòn" thì giai đoạn cuối đời ông cũng luôn hoàn thành "tiến độ" một năm một phim. Hẳn có người sẽ chép miệng: "Làm phim như thế thì làm sao có tác phẩm chất lượng, có kiệt tác được?!", đúng là phim của Ozu không phải là những tác phẩm điêu khắc kì công, tinh tế, ấn tượng như các bộ phim của Kubrick, nhưng cũng như cuộc đời, điện ảnh đâu thể thiếu những nốt trầm?
Xem phim của Ozu có cảm giác ông như một nghệ sĩ điêu khắc suốt đời tỉ mẩn với một hình mẫu duy nhất, ông làm hàng chục bức tượng, có bức là để sửa cho đẹp hơn một chi tiết nhỏ này, có bức lại là để thử nghiệm một góc nhìn mới khác của hình mẫu, hình mẫu cho phim của Ozu ở đây là những câu chuyện xoay quanh quan hệ gia đình. Trừ những phim thể nghiệm "kiểu Hollywood" giai đoạn đầu, về sau Ozu chỉ tập trung duy nhất vào việc khắc họa những quan hệ gia đình - bố con, vợ chồng, anh chị em, được đặt trong bối cảnh của đám cưới, đám ma, chuyện tìm vợ gả chồng cho con cái, tất cả chỉ có vậy.


Voyage à Tokyo, bộ phim được nhắc tới nhiều nhất của Ozu

Ví dụ bộ phim được nhắc tới nhiều nhất của Ozu, Voyage à Tokyo chỉ là câu chuyện của một cặp vợ chồng già lên Tokyo thăm các con, nhưng hai ông bà không ngờ rằng vì quá bận bịu, hai đứa con ruột của ông bà lại đẩy ngay bố mẹ đi nghỉ ở suối nước nóng, rồi sau đó là phó mặc bố mẹ cho cô con dâu, vợ góa người con út của ông bà đã chết trong chiến tranh. Sau đó người mẹ đột ngột qua đời mặc dù bề ngoài vẫn rất khỏe mạnh, đại gia đình lại tụ họp lần cuối cùng để làm lễ tang cho bà. Tất cả chỉ có vậy, tuyệt đối không có kịch tính, cao trào, nút thắt mở hay những chi tiết bất ngờ, giật gân để lôi kéo khán giả ngồi lại. Các cảnh quay trong phim hầu hết là cảnh tĩnh (về sau Ozu còn bỏ hoàn toàn việc di chuyển máy quay, chỉ sử dụng góc quay tĩnh), nhiều góc máy đặt thấp (gọi là góc máy tatami vì máy quay được đặt ngay trên mặt chiếu tatami của Nhật) nhìn không thuận mắt vì nó khác với bố cục hình ảnh thông thường trên phim. Tóm lại, Voyage à Tokyo nói riêng và những phim thời kỳ sau của Ozu nói chung không có một đặc điểm nào để thu hút khán giả như các bộ phim thông thường (vì thế đôi khi người ta gọi phim của Ozu là những tác phẩm "phản điện ảnh" - "anti-cinéma") trong khi phải khẳng định là phim của ông hoàn toàn không thuộc dòng điện ảnh thể nghiệm hay phim nghệ thuật kén người xem. Ozu làm phim là để phục vụ đông đảo công chúng, và những bộ phim "chán ngắn" của ông vẫn cứ được đón nhận nồng nhiệt, tại sao vậy? Nói đến đây tự dưng nghĩ đến một câu văn của Saint-Exupéry trong Hoàng tử Bé (Le Petit Prince):
On ne voit bien qu’avec le cœur, l’essentiel est invisible pour les yeux – Chỉ với trái tim, người ta mới có thể nhìn rõ những điều quan trọng vốn vô hình với đôi mắt.
Góc máy Tatami - góc máy cực thấp tiêu biểu cho phim của Ozu

Phim của Ozu thì không đến nỗi "triết" như thế, nhưng các tác phẩm của ông được yêu thích, được trân trọng chính vì nó chạm được vào những thứ giản dị nhưng quan trọng nhất của cuộc sống - tình người. Có thể ví phim Ozu như một bức ảnh ảo ba chiều, khán giả khi mới xem sẽ chẳng nhận thấy điều gì từ những khung hình bình thường, chậm rãi, nhưng càng xem, người ta lại càng cảm nhận được từ đó một hình ảnh, một ý nghĩa có chiều sâu hơn rất nhiều. Trong Voyage à Tokyo có một trường đoạn quay cảnh ba ông bố già ngồi uống rượu và tâm sự về con cái, góc máy đặt tĩnh, câu chuyện của ba người cũng chẳng có gì, chỉ là một ông khen ông khác rằng "sao con cái của ông thành đạt thế, cuộc đời của ông thế là viên mãn rồi, chẳng bù cho mấy đứa con của tôi không đứa nào làm nên sự nghiệp lớn cả", nhân vật chính của câu nói chỉ gật gù, khề khà trong khi trước đó ông cũng vừa mới nhận ra sự thật rằng đứa con trai ông vẫn tự hào bấy lâu nay vì là "một bác sĩ ở thủ đô" hóa ra chỉ là một ông bác sĩ khu vực chuyên chữa những bệnh lặt vặt cho người dân một khu phố ngoại ô xa xôi của thành phố. Câu chuyện "chẳng có gì" của ba người ấy vừa bộc lộ sự quan tâm chân thành và giản dị của "người đầu bạc" với "kẻ đầu xanh", vừa toát lên một nỗi buồn man mác của những giấc mơ không thành, giấc mơ cho con cái và giấc mơ của chính họ. Phim của Ozu có rất nhiều những lát cắt như thế về tình cảm gia đình, đó có thể là cuộc "xung đột" giữa ông bố già "gà trống nuôi con" với cô gái đến tuổi cập kê trong việc "ai lập gia đình trước?" vì không ai bỏ người kia lại một mình (trong Le goût du saké, tác phẩm Ozu chỉ hoàn thành vài tháng trước khi qua đời), đó có thể là câu chuyện về một ông bố bỏ nghề giáo, xa nhà kiếm tiền nuôi con ăn học chỉ với hy vọng đứa con sẽ trở thành một ông giáo tốt "hơn mình" bất kể việc phải sống xa đứa con duy nhất suốt mấy chục năm cuộc đời (trong Il était un père), đó có thể là hình ảnh một ông lão gần đất xa trời nhưng vẫn cố sức sống hết mình, hết mình tới mức trước khi nhắm mắt ông chỉ kịp chép miệng "Đã kết thúc rồi ư?" (trong Dernier Caprice). Tất cả chỉ là những chi tiết rất đời thường mà ai cũng có thể gặp trong cuộc đời, trong mỗi người, và chúng được Ozu khắc họa cũng theo cái cách rất đời thường, không hề kịch tính hóa hoặc tô màu bằng những thủ pháp điện ảnh. Người đồng nghiệp cùng thời của Ozu, cây đại thụ Kenji Mizoguchi đã nhận xét:
I portray what should not be possible in the world as if it should be possible, but Ozu portrays what should be possible as if it were possible, and that is much more difficult.
Setsuko Hara (phải), diễn viên "ruột" của Ozu và là gương mặt tiêu biểu nhất cho những tác phẩm của ông bên cạnh Chishu Ryu

Người ta thường so sánh phong cách làm phim của ba cây đại thụ Mizoguchi, Ozu và Kurosawa qua hình ảnh: Sương mù của Mizoguchi, trời xanh của Ozu và mưa của Kurosawa. Mizoguchi rất hay dùng mô-típ sương mù cho các tác phẩm lấp lánh chất hư ảo của mình, Rashomon hay Bảy samurai của Kurosawa đều dùng mưa để nhấn mạnh cái xung đột, kịch tính đến bạo liệt của phim, còn Ozu lại luôn đặt những cảnh ngoại cảnh của mình dưới bầu trời xanh ngắt, một thứ mà nơi Xứ tuyết (tên truyện của Kawabata) như Nhật Bản không hề giàu có. Cuộc sống trong phim của Ozu cũng như bầu trời xanh ấy, phẳng lặng và không có những bi kịch lớn, niềm vui lớn. Các nhân vật trong phim của Ozu hiếm khi thể hiện tình cảm ra bên ngoài, dù đau khổ tột cùng vì mất đi người thân thiết hay vui sướng tột cùng vì tìm được hạnh phúc riêng cho chính mình, họ đều chỉ thể hiện bằng những ánh mắt, nụ cười và những câu "Vâng" nhẹ nhàng theo kiểu Nhật Bản. Bằng cách đó, dường như Ozu muốn các diễn viên của ông chia sẻ tình cảm trong nhân vật với người xem, để người xem tự thẩm thấu cái nỗi đau, cái niềm vui mà họ (cảm) thấy trên khung hình. Trong số các diễn viên thực hiện ý đồ đó của Ozu không ai có thể thành công và ghi dấu ấn đậm nét hơn Setsuko Hara, nữ diễn viên lớn nhất của điện ảnh Nhật Bản trong thời kỳ hoàng kim. Trong phim của Ozu, Setsuko Hara thường thủ vai những phụ nữ có số phận lận đận, hoặc là chồng chết ở vậy (Voyage à Tokyo, Fin d'automne), hoặc là lỡ thì nhưng nhất quyết không lấy chồng vì thương bố cô đơn (Printemps tardif). Vẻ đẹp tươi trẻ đến lạ lùng của Setsuko Hara cùng cách diễn tối giản, tiết chế cảm xúc của cô lại càng khiến cho khán giả cảm nhận được nỗi đau bên trong nhân vật cũng như những tình cảm, sự hy sinh rất thật, rất đời thường mà nhân vật đó mang lại. Và có lẽ "kịch bản" này thì chẳng Hollywood nào có thể nghĩ ra, năm 1963 khi Ozu qua đời, Setsuko Hara ngay lập tức lặng lẽ rút lui khỏi màn ảnh lớn dù khi ấy cô đang ở trên đỉnh cao của vinh quang, sắc đẹp và tài năng. Cô ở ẩn ngay gần nơi chôn cất của đạo diễn và từ chối bất cứ lời mời đóng phim, phỏng vấn hoặc chụp ảnh nào. Thậm chí tôi chẳng thể tìm nổi một thông tin nào về việc Setsuko Hara còn sống hay đã mất. Setsuko Hara lặng lẽ biến mất khỏi đời sống điện ảnh đúng như cái cách cô vẫn diễn trên phim, nhẹ nhàng nhưng luôn khiến người yêu điện ảnh phải xúc động. Chẳng thể mà mãi gần 40 năm sau ngày Ozu qua đời và Setsuko Hara biến mất, đạo diễn Satoshi Kon đã lại cho ra đời một bộ phim hoạt hình xuất sắc có tên Sennen Joyū (Millennium Actress) trong đó nhân vật chính được lấy hình mẫu từ Setsuko Hara. Cũng nói thêm là Ozu, bậc thầy trong việc khắc họa tình cảm gia đình, là người chưa từng lập gia đình. Ông sống một mình với mẹ cho đến cuối đời (mẹ của Ozu qua đời trước đạo diễn chỉ hai năm). Có lẽ vì vậy mà Yuharu Atsuta, quay phim "ruột" của ông, đã nhận xét:
Ozu, man of spirit of clown, was really humorous. So I hate to treat him as legend and worship like a God. The clown is lonely, but he must hide his loneliness and play the fool joyfully, comically. That's the spirit of Ozu's film.
Đúng như vậy, hãy coi mỗi bộ phim của Ozu như một lát cắt giản dị tô điểm cho cuộc đời, bạn sẽ thưởng thức được nó đúng như cách mà "anh hề" ấy đã mong muốn.


Bonjour, một trong số 6 bộ phim màu của Ozu

=====
Quy đổi tên phim:
* Voyage à Tokyo - Tokyo monogatari - Tokyo Story
* Il était un père - Chichi ariki - There Was a Father
* Printemps tardif - Banshun - Late Spring
* Fleurs d'équinoxe - Higanbana - Equinox Flower
* Bonjour - Ohayo - Good Morning
* Fin d'automne - Akibiyori - Late Autumn
* Dernier Caprice - Kohayagawake no aki - The End of Summer
* Le Goût du saké - Sanma no aji - An Autumn Afternoon

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire