some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 9 novembre 2009

Away We Go (2009), Julie & Julia (2009), Il divo (2008)

Sau một loạt bốn phim tâm lý nặng nề (American Beauty, Road to Perdition, Jarhead, Revolutionary Road), Sam Mendes lần đầu tiên thử sức với một phim hài kinh phí thấp - Away We Go. Đây là một roadmovie (phim nói về những cuộc hành trình, rong ruổi với rất nhiều gương mặt khác nhau, tiêu biểu cho dạng phim này thời gian gần đây là Into the Wild của Sean Penn và My Blueberry Nights của Vương Gia Vệ) đậm chất indie, diễn viên không phải ngôi sao nhưng đóng rất nhập vai, thoại nhẹ nhàng mà vẫn sâu sắc, bối cảnh phim mộc mạc và phần nhạc ngẫu hứng. Tuy vậy thì phim vẫn mang phong cách quen thuộc của Mendes, đó là ẩn chứa rất nhiều bi kịch của những con người bình thường, phần thoại đôi khi hơi triết lý quá (hay nói cách khác là được "kịch hóa" - ngoài đời chẳng ai nói được đến như vậy) và phần hình ảnh của phim có tông màu đồng nhất từ đầu tới cuối.

Nội dung của Away We Go khá giản dị - một cặp tình nhân sắp có đứa con đầu lòng thực hiện chuyến hành trình dài đằng đẵng để tìm một nơi thích hợp cho tổ ấm mới, mỗi một thành phố họ đi qua, cặp tình nhân lại gặp một bi kịch khác nhau của cuộc sống gia đình, để rồi họ dần tìm thấy được ý nghĩa đích thực của chính tình yêu giữa hai người và cuối cùng là tìm được cho mình một chỗ dừng chân, một mái nhà đích thực. Bộ phim tràn ngập bi kịch gia đình, bi kịch của một bà mẹ foul-mouthed sẵn sàng xỉ vả con cái và chồng tới mức không thể tin được, bi kịch của bà mẹ trẻ yêu con nhưng lại xa rời với cái gọi là cuộc sống đích thực, bi kịch của một cặp vợ chồng trẻ cố thuyết phục nhau rằng họ đang sống hạnh phúc trong sự bất hạnh, và bi kịch của một ông bố trẻ cùng cô con gái bị người vợ bỏ rơi. Chính những bi kịch đó đã giúp cặp tình nhân phát hiện ra rằng tình yêu của họ lớn hơn tất cả các đôi tình nhân mà họ từng ngưỡng mộ khác, cuộc hành trình càng dài, họ lại càng được tiếp thêm sức mạnh để gắn kết với nhau trong cuộc đời (dù cô gái nhân vật chính nhất quyết không chịu cưới anh chàng ngố bạn trai mình).

Dàn diễn viên của phim không nổi tiếng, ba cái tên ít ỏi mà tôi biết đến trong phim là Melanie Lynskey của Heavenly Creatures trước đây (không hiểu có phải vợ Mendes - Kate Winslet, đã giới thiệu Lynskey - bạn diễn của cô trong Heavenly Creatures cho chồng không), Maya Rudolph (vì là .... người yêu của đạo diễn tôi yêu thích Paul Thomas Anderson) và Maggie Gyllenhaal. Nhìn chung dàn diễn viên của Away We Go đóng tốt, bề ngoài giản dị và cái chất diễn tưng tửng của họ rất hợp với không khí của phim. Vì vậy về tổng quát Away We Go là một phim xem được, nhưng vẫn hơi khó "nuốt" vì chất bi kịch của phim vẫn hơi đậm đặc, không hề dành cho những người mong đợi được xem một bộ phim hài.


Thật sai lầm khi chọn xem Julie & Julia, phim này đúng là chỉ dành cho "chị em phụ nữ" chứ con trai xem quả thực không thể mê được. Phim nói về 2 bà nội trợ Mỹ mê nấu món ăn Pháp là Julia Child và Julie Powell, cả hai đều là nhân vật có thật ngoài đời. Tuy thuộc 2 thế hệ hoàn toàn khác nhau (Julia sinh năm 1912 còn Julie sinh năm 1973) nhưng cả hai đều sử dụng niềm vui nấu nướng và khám phá ẩm thực Pháp để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống - với Julia đó là nỗi buồn của một phụ nữ không có con phải theo chồng, một nhân viên ngoại giao, rong ruổi khắp thế giới, với Julie đó là sự khủng hoảng tâm lý của một phụ nữ bước vào tuổi 30 với công việc hết sức nhàm chán. Một điều may mắn nữa của hai người là cả Julie và Julia đều có những đức lang quân tốt bụng, hy sinh hết mình để giúp đỡ vợ trên con đường nấu nướng. Phim thuộc loại feel-good-movie cho chị em gái nên nội dung nhẹ nhàng, không có bi kịch hoặc xung đột thực sự, chủ yếu tập trung miêu tả tâm lý (vô cùng rắc rối và ... không thể chịu được) của hai phụ nữ, một chuẩn bị bước vào tuổi trung niên và một vừa kết thúc tuổi trung niên. Diễn xuất của hai ngôi sao nữ trong phim - Amy Adams và Meryl Streep, theo tôi là bình thường, không có gì đột phá mà cũng chẳng có gì đáng nhớ, Adams diễn giống hệt vai của cô trong Sunshine Cleaning (một phim cũng chẳng lấy gì làm xuất sắc), Streep thì vẫn cái vẻ vui tươi, xởi lởi nhưng có gì đó hơi thô kệch như trong Mamma Mia!, thực sự tôi thích Streep đóng những vai bi và đứng đắn như trong Out of Africa, Devil Wears Prada hay Doubt hơn là những vai hài hước kiểu này, vì giọng của Streep không hợp và cách bà diễn những pha hài hước cũng không thuyết phục cho lắm. Phần ẩm thực trong phim cũng không thực sự hấp dẫn, một phần vì ẩm thực Pháp không phải dạng màu mè và đòi hỏi kỹ năng chế biến cao như ẩm thực Trung Quốc, phần khác vì phim chỉ tập trung vào những món tương đối phổ biến và dễ làm của Pháp nên Julie & Julia khó lòng mà kích thích được cái dạ dày của người xem. Tóm lại tôi thấy phim này thua xa một phim khác cũng mượn chuyện ẩm thực để miêu tả tâm lý, đó là Nam nữ ẩm thực của Lý An.

Phải nói luôn là phim Il divo không liên quan gì đến boyband Il Divo của Anh cả. Divo (số nhiều: Divi, giống cái: Diva) trong tiếng Ý nghĩa là thần thánh, trong âm nhạc có thêm nghĩa là ngôi sao của sân khấu. Il divo là bộ phim tiểu sử về Giulio Andreotti, biệt danh "Divo Giulio" ("Giulio thần thánh"), người từng ba lần làm thủ tướng Ý, ba lần giữ chức bộ trưởng quan trọng (Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng), một lần ứng cử viên Tổng thống Ý, nghị sĩ trọn đời của Thượng viện Ý, và một lần bị kết án 20 năm tù vì âm mưu ám sát một nhà báo (sau rất nhiều phiên tòa xử lại được kết luận vô tội) cộng thêm rất nhiều lần bị báo chí chỉ đích danh vì những mối liên hệ chặt chẽ với mafia. Andreotti có thực sự cộng tác với mafia hay không, người ta không bao giờ biết, chỉ biết rằng sau mấy chục năm trên chính trường Ý, lần lượt những cộng sự thân tín của Andreotti bị kết án vì nhiều loại tội khác nhau, bản thân đảng do Andreotti gây dựng nên là Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Ý - từng là thế lực mạnh nhất ở Ý những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã phải giải tán vì vô số bê bối liên quan đến tham nhũng. Chỉ riêng mình Giulio Andreotti vẫn lừng lững giữa xã hội Ý như một biểu tượng của quyền lực vừa được nhiều người kính phục nhưng cũng bị vô số người khác dè bỉu, một hình tượng "rất Ý".

Il divo chủ yếu xoay quanh thời gian hoạt động của Andreotti ngay trước khi ông bị rút quyền miễn tố và phải ra hầu tòa vì tội dàn xếp dẫn tới cái chết của một nhà báo nổi tiếng. Để "xứng đáng" với nhân vật đặc biệt mà bộ phim miêu tả, đạo diễn Paolo Sorrentino không sử dụng cách làm phim tiểu sử thông thường, tức là đi theo trình tự "leo núi" phấn đấu => thành công => sụp đổ, trái lại Il divo sử dụng cách kể chuyện phi tuyến tính xen kẽ giữa những tội ác mà Andreotti có dính líu trong quá khứ với những hình ảnh của một Andreotti lạnh lùng, điềm tĩnh đối mặt với tòa án, báo chí trong hiện tại. Xem Il divo, người ta dễ dàng liên tưởng đến một hai bộ phim xuất sắc khác về quyền lực đen, đó là Bố giàBố già phần II của Francis Ford Coppola, cả hai (loạt Bố già và phim Il divo) đều tập trung khắc họa tính "hai mặt", tốt có nhưng xấu cũng có và còn nhiều hơn, của nhân vật chính-ông trùm, nếu như bố con Corleone chỉ là ông trùm của thế giới ngầm thì Andreotti "oai phong" hơn nhiều, ông ta là trùm của thế giới chính trị-một Bố già đứng ngoài ánh sáng. Nhưng khác với Bố già vốn như một vở kịch Shakespeare bi tráng, Il divo lại mang hơi hướng của một vở opera theo phong cách baroque với nhiều cung bậc cảm xúc và màu sắc khác nhau, từ sự đẫm máu, tàn bạo của các vụ ám sát đến nét châm biếm hài hước của giới chính trị gia và cả sự hối day dứt tội lỗi của những phụ tá thân cận trong "triều đình" Andreotti. Màu sắc đa dạng của "vở opera" này còn được nhấn mạnh bằng phần nhạc được đạo diễn Sorrentino sử dụng rất tài tình, nhạc nền của Il divo đủ cả metal, opera, nhạc giao hưởng, nhạc trữ tình Ý và thậm chí là nhạc Rap, tất cả được lồng một cách rất tài tình vào những trường đoạn khác nhau giúp cho khán giả càng thêm choáng ngợp vì không khí hỗn loạn đến nghẹt thở của phim. Và trong cái không khí ấy, Toni Servillo đã thể hiện tuyệt vời hình ảnh của một "Divo" Giulio Andreotti luôn lạnh lùng, châm biếm và không bao giờ bộc lộ cảm xúc thật, cuộc sống chính trị nước Ý có thể hỗn loạn vì các vụ thanh trừng, mưu sát, nhưng Andreotti thì luôn đứng đó, vững chãi giống như cách đạo diễn sử dụng rất nhiều góc quay cận cảnh để mô tả nhân vật này trong phim.

Il divo theo tôi là một phim chính trị xuất sắc, đạo diễn không hề áp đặt quan điểm của mình trong phim, thay vào đó ông chỉ tập trung khắc họa nhiều bộ mặt khác nhau của cùng một con người để khán giả có thể tự rút ra kết luận cho câu hỏi: "Andreotti có tội hay vô tội?". Tuy nhiên với những người ít am hiểu chính trị và lịch sử hiện đại của Ý như tôi thì phim có một điểm trừ lớn, đó là nhịp phim quá nhanh cùng cách dựng phim phi tuyến tính khiến khán giả rất khó theo dõi, thậm chí là khó bắt kịp hết phần thoại (được các nhân vật nói cực nhanh) và các dòng chữ chú thích gắn trực tiếp trên phim, kết quả là phim trở thành hơi khó hiểu và tính giải trí của tác phẩm thì bị giảm đi rất nhiều. Có lẽ phải đọc thêm nữa thì mới có thể hiểu tại sao năm 2008 người ta lại đánh giá tác phẩm này không thua kém gì Gomorra, bộ phim được coi là Bố già thật sự của Ý.

5 commentaires:

  1. Vừa rồi mới xem Management có Jennifer Aniston đóng cũng chạy lung tung khắp nơi. Cô Jennifer này nhìn lộ rõ vẻ mặt desperate và già thấy rõ, không tự nhiên như hồi Friends :D. Mấy phim indie kiểu này xem có cảm giác nhẹ nhàng.

    RépondreSupprimer
  2. Gần hai chục năm kể từ ngày Friends bắt đầu chiếu rồi còn gì ông ơi :(! Ngay ở mấy season cuối Rachel cũng trông già so với cái style trẻ trung ngố ngố của em ý rồi. Mà bộ đấy tôi thích cặp Monica với Chandler hơn, giờ thì cả hai chìm nghỉm, anh Chandler lừng lẫy còn phải đi đóng vai làm nền cho Zac Efron mới khổ tôi chứ =))!

    Cái Away We Go này xem cũng hơi nhẹ nhàng chút thôi (nhất là so với phim trước đó của Mendes), chứ thực ra tôi thấy nó vẫn buồn quá, cuộc đời trên phim thôi mà lúc nào cũng tràn ngập bi kịch và bất hạnh. Bên này nó bán cái Grave of Fireflies của Isao Takahata hay kèm với Totoro của Miyazaki, tôi nghĩ là cứ 1 phim của Mendes phải kèm 1 phim của Richard Curtis (Love Actually) thì bán nó mới chạy =))!

    RépondreSupprimer
  3. À mà sirius xem Il divo đi, hay lắm đó :D!

    RépondreSupprimer
  4. OK sẽ xem Il Divo, chưa xem cả Gomorra vì lúc đầu down về chưa có phụ đề, sau quên luôn. Để xem cả hai. Mafia là đề tài ưa thích mà hihi.

    RépondreSupprimer
  5. Nghe bảo Away We Go còn hay hơn (500) Days of Summer nữa.

    RépondreSupprimer