some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 16 juillet 2009

Indochine (1992)


Indochine thuộc dòng phim sử thi pha lãng mạn, nội dung phim là những sự kiện xảy ra ở xứ thuộc địa Đông Dương thông qua con mắt của Éliane Devries, một phụ nữ mạnh mẽ, tự lập nhưng lại hết sức yêu quý cái xứ sở mà nhiều người Pháp chỉ coi như cái vựa cao su, vựa lúa và vựa than của họ. Phim này làm tôi liên tưởng đến Out of Africa, một phim cũng nói về những mối tình của kẻ đi cai trị ở xứ thuộc địa, trong bối cảnh thiên nhiên tuyệt vời và exotic của xứ thuộc địa. Theo tôi thì Out of Africa quay đẹp hơn và diễn xuất của dàn diễn viên chính (Meryl Streep, Robert Redford) cũng xuất sắc hơn, tuy nhiên Indochine lại chân thật hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều. Người xem Việt Nam hẳn sẽ cảm động khi chứng kiến những cảnh đẹp của xứ sở họ qua ống kính người Pháp, nhưng họ (trong đó có tôi) còn cảm động hơn khi chứng kiến trăn trở của những người Pháp, những người Việt thuộc đủ mọi tầng lớp trước sự hưng vong của một đất nước đang sống dở chết dở vì cảnh nửa thuộc địa. Tuy phần thoại tiếng Việt của phim không hoàn toàn tốt (một nhược điểm mà De battre mon coeur s'est arrêté sau này cũng mắc phải), dàn diễn viên phụ người Việt của phim cũng diễn quá nghiệp dư (trừ Như Quỳnh trong vai cô Sao rất xuất sắc), nhưng Indochine vẫn cho thấy sự quan tâm thực sự và thấu hiểu một phần nào đó tới lịch sử và văn hóa Việt Nam của những nhà làm phim Pháp. Hầu như tất cả những cảnh đẹp của Việt Nam đều hiện lên trong phim, từ Vịnh Hạ Long tới Tam Điệp (Vịnh Hạ Long trên cạn, cảnh đẹp này lên phim không thua gì cảnh Quảng Tây-Vân Nam trong The Painted Veil) rồi Đình Bảng, Huế, Phát Diệm, người Việt trong phim cũng hết sức đa dạng về bề ngoài và tính cách (một điều Out of Africa không làm được), từ những thanh niên Tây học mạnh mẽ đến những ông già răng đen cười đẹp như trong các tấm bưu thiếp Pháp đầu thế kỉ, sự đa dạng đó giúp đẩy vị trí của người Việt trong phim cao hơn và giúp người xem không "nhầm tưởng" rằng cái ở cái xứ thuộc địa này, người Pháp mới là chủ nhân thực sự. Trong số những người Việt ấy thì nổi lên hình ảnh của Camille do Phạm Linh Đan thủ vai, Linh Đan diễn rất tốt, tốt hơn nhiều so với vai diễn giúp cô giành giải César triển vọng sau này trong De battre mon coeur s'est arrêté). Tóm lại theo tôi Indochine xứng đáng với cái giải Oscar phim nước ngoài hay nhất của mình, bộ phim cũng là tác phẩm đáng xem cho bất cứ ai yêu nước Việt.

=====
Bản dài.


Là quốc gia sở hữu tới 12 tượng vàng Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (chỉ kém Ý với 14 tượng vàng), nhưng lần chiến thắng gần đây nhất của Pháp tại hạng mục này của Giải Oscar đã cách đây gần một phần tư thập kỷ vào năm 1992. Tác phẩm đã đem lại vinh quang cho nước Pháp là Đông Dương (Indochine), bộ phim của đạo diễn Régis Wargnier.

Kéo dài từ thập niên 1930 khi mầm mống cách mạng bắt đầu sục sôi trong tâm trí mỗi người Việt bị áp bức và kết thúc vào năm 1954 khi người Pháp thực dân cuối cùng phải rời khỏi Việt Nam, Đông Dương là câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam thông qua con mắt của bà chủ đồn điền cao su Éliane Devries (Catherine Deneuve). Bộ phim đề cập tới những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam những năm cuối cùng dưới ách đô hộ, từ cuộc khởi nghĩa Yên Bái, sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản, những mâu thuẫn giữa chính những người Pháp về việc nên cố níu kéo quyền lợi thực dân thông qua súng ống và ngục tù Côn Đảo hay dần trao cho người Việt quyền tự chủ, và kết thúc là Hiệp định Genève đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của người Pháp ở Việt Nam.

Cái tên lớn nhất của Đông Dương là Catherine Deneuve, một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của điện ảnh Pháp. Việc bà được đạo diễn Wargnier chọn vào vai Éliane Devries cũng đủ để cho thấy tầm quan trọng của vai diễn này đối với ý nghĩa chung của bộ phim. Xuất thân từ một gia đình điển hình cho chủ nghĩa thực dân – chủ đồn điền cao su, nhưng Éliane lại hết sức yêu quý cái xứ sở mà nhiều người Pháp chỉ coi như cái vựa cao su, vựa lúa và vựa than của họ. Sự mạnh mẽ, tự lập và tình yêu vô bờ bến với những con người bị coi là đẳng cấp dưới của Éliane có lẽ sẽ khiến nhiều người yêu phim liên tưởng tới vai diễn nổi tiếng của Meryl Streep – Nữ nam tước Karen von Blixen trong bộ phim giành giải Oscar phim hay nhất năm 1985 Out of Africa. Được đánh giá là một trong những bộ phim sử thi xuất sắc hiếm hoi về lục địa già Châu Phi, Out of Africa cũng nói về những mối tình của kẻ đi cai trị ở xứ thuộc địa trong bối cảnh thiên nhiên châu Phi tuyệt vời với những trảng cỏ savanna mênh mông. Nhưng nếu như Out of Africa chủ yếu tập trung mô tả cuộc đời của chính Karen von Blixen, thì Đông Dương lại chân thật hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều khi đạo diễn Régis Wargnier không dừng lại ở việc khắc hoạ những tâm tư, suy nghĩ của Éliane hay những người Pháp thực dân như bà mà còn dành một thời lượng đáng kể để mô tả những chủ nhân thực sự của xứ thuộc địa – những người Việt. Người xem có thể cảm nhận được sự cân bằng của phim qua nhân vật Camille do Phạm Linh Đan thủ vai. Đôi mắt sáng, tinh thần kiên cường và giọng nói rắn rỏi của Camille cho thấy rằng chính những người bản địa bé nhỏ như cô, chứ không phải những người khách “vãng lai” như Éliane, mới là người có quyền quyết định số phận của mảnh đất đẹp đẽ nhưng nhiều đau thương này. Khởi nghiệp với Đông Dương khi mới 18 tuổi, Phạm Linh Đan chứng tỏ cô không hề lép vế nếu khi so với ngôi sao gạo cội Catherine Deneuve.

Với riêng khán giả Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ thấy cảm động khi qua Đông Dương họ được chứng kiến trăn trở của những người Pháp, những người Việt thuộc đủ mọi tầng lớp trước sự hưng vong của một đất nước đang sống dở chết dở vì cảnh nửa thuộc địa. Cái nhìn công bằng và cách quan tâm, đầu tư thực sự cho Đông Dương thể hiện qua cả phần nội dung và bối cảnh đã cho thấy sự thấu hiểu và trân trọng lịch sử và văn hóa Việt Nam của những nhà làm phim Pháp. Một điểm đáng tiếc của Đông Dương đó là dàn diễn viên phụ người Việt chưa thực sự chứng tỏ được mình ngoại trừ một Như Quỳnh hết sức xuất sắc trong vai cô Sao. Điểm yếu này của Đông Dương phần nào đó xuất phát từ những đoạn thoại tiếng Việt tương đối gượng và thiếu chất điện ảnh nếu so sánh với những đoạn thoại tiếng Pháp. Đây là một nhược điểm của rất nhiều phim Pháp có nhân vật người Việt, kể cả những phim xuất sắc từng giành nhiều giải thưởng lớn như De battre mon coeur s'est arrêté.

Không chỉ xuất sắc về phần nội dung, Đông Dương còn là một tuyệt phẩm về mặt hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Người xem Việt chắc chắn sẽ cảm động khi chứng kiến những cảnh đẹp của xứ sở họ qua ống kính người Pháp, nhưng với những người nước ngoài chưa một lần đặt chân tới Việt Nam, hẳn hiếm có lời mời gọi nào tốt hơn Đông Dương. Hầu như tất cả những cảnh đẹp của Việt Nam đều hiện lên trong phim, từ Vịnh Hạ Long tới Tam Điệp, rồi Đình Bảng, Huế, Phát Diệm, người Việt trong phim cũng hết sức đa dạng về bề ngoài và tính cách, từ những thanh niên Tây học mạnh mẽ đến những ông già răng đen cười đẹp như trong các tấm bưu thiếp Pháp đầu thế kỉ, sự đa dạng đó đã giúp đạo diễn Wargnier đẩy vị trí của người Việt trong phim cao hơn và giúp người xem không "nhầm tưởng" rằng ở cái xứ thuộc địa này, người Pháp mới là chủ nhân thực sự. Được thực hiện bởi những tấm lòng yêu nước Việt, Đông Dương hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Oscar cho phim nước ngoài. Bộ phim thực sự là một tác phẩm đáng xem, đáng trân trọng cho bất cứ ai đã yêu, hoặc muốn yêu nước Việt. 

 

=====

Bản đã biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire