some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 13 mai 2009

Magnolia (1999)


"Magnolia" là một bộ phim "cast ensemble" và "multi-plot". "Cast ensemble" nghĩa là dàn diễn viên không chỉ có 1/1 cặp vai chính (hero vs heroine) mà các (> 2) vai trong phim đều có vị trí (và thời gian xuất hiện trên phim) gần giống nhau, ảnh hưởng đến cốt truyện (plot) nhiều như nhau. "Multi-plot" nghĩa là trong phim không chỉ có một cốt truyện - một câu chuyện mà gồm nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời đan xen với nhau tạo nên cốt truyện chung của cả bộ phim. Một bộ phim "multi-plot" thì đương nhiên là phim "cast ensemble" nhưng không có nghĩa là một phim "cast ensemble" phải là một phim "multi-plot". Tiêu biểu cho dạng phim chỉ có 1 plot chính nhưng vẫn sử dụng "cast ensemble" là các phim phá án "close room" (phòng kín) kiểu Agatha Christie như "Death on the Nile" hay "Murder on the Orient Express". Phim "multi-plot" thì (hình như) mới là trào lưu khoảng hơn chục năm trở lại đây, mà nổi bật nhất (chứ không phải hay nhất) là "Crash", bộ phim nẫng tay trên Oscar phim hay nhất của "Brokeback Mountain". Một đạo diễn khác nổi bật với phim "multi-plot" là Alejandro González Iñárritu người Mexico, ông này làm liền một mạch 3 phim, hay nói đúng hơn là Hollywood thấy ông này làm phim đầu tay "multi-plot" ở Mexcio hay quá nên mời về làm tiếp 2 phim kiểu tượng tự, đó là "Amores perros", "21 Grams" và được biết đến nhiều nhất là "Babel".

Đạo diễn "Magnolia", Paul Thomas Anderson aka. P.T. Anderson cũng từng làm một phim có thể tạm liệt vào dạng multi-plot là "Boogie Nights", một phim rất hay và rất nhân văn về một đề tài không có vẻ nhân văn lắm - công nghiệp sản xuất phim sex. Và trong dàn "cast ensemble" diễn cực kỳ ăn ý và ấn tượng của "Boogie Nights", ông "bê" đến 5 người (4 vai "chính", 1 vai "rất phụ") sang "Magnolia". Người nổi nhất trong dàn "cast ensemble" của "Magnolia" là Tom Cruise. Trước "Magnolia", Cruise có một sự nghiệp phải nói là vào dạng đặc biệt của Hollywood - chưa bao giờ phải đóng vai phụ kể từ phim đầu tay, cho dù đóng cùng với siêu sao lớn nào khác như Paul Newman, Dustin Hoffman thì Cruise vẫn là tên được đứng đầu bảng cast. Trong phim này Tom Cruise lần đầu vào một vai "không chính" - Frank T.J Mackey. Mackey có một tuổi thơ khốn khó, 14 tuổi đã phải một mình cáng đáng gia đình và chứng kiến mẹ của mình qua đời trong sự đau đớn của căn bệnh ung thư trong khi bố của Mackey, một chủ gameshow giàu có đã bỏ người vợ sống chung 20 năm với đứa con thơ để chạy theo người tình. Ngược đời là khi lớn lên Frank T.J Mackey lại trở thành một ... huấn luyện viên cưa gái nổi tiếng cho các anh giai nhát gan, đụt hoặc từng bị bồ đá. Một cái tên được quảng cáo trang trọng trên ... Playboy, Mackey mở miệng ra là chửi phụ nữ và đề cao đàn ông, trong khi chính anh đã lớn lên bởi bàn tay của những người đàn bà hàng xóm và phải chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ từ ông bố "bỏ đi". Có thể nói đây là vai diễn xuất sắc nhất của Cruise, không xuất sắc sao được khi chính anh, trước khi là một ngôi sao sáng của Hollywood, cũng từng có quá khứ như Mackey.

Earl Partridge (Jason Robards thủ vai) là ông bố "bỏ đi" đó. Partridge có một sự nghiệp thành công, ông lập nên một gameshow có tên "Quiz Kid" nơi trẻ con có thể so tài với người lớn để kiếm tiền (dĩ nhiên) - gameshow chạy liên tục dài hơi nhất trong lịch sử truyền hình Hoa Kỳ. Partridge còn có một người vợ trẻ, đẹp, một căn nhà lớn và một đàn chó đáng yêu. Nhưng số phận cuối cùng lại đưa Partridge tới nơi vợ ông đã "đi qua", đó là những cơn đau vật vã không dứt của căn bệnh ung thư xương và ung thư não giai đoạn cuối. Bên cạnh nỗi đau tột cùng về thể xác, ông bố "bỏ đi" còn luôn mang nỗi đau dai dẳng suốt bao năm về tinh thần, về cái sai lầm ông đã gây ra nhiều năm trước khi bỏ vợ, bỏ con để tìm đến với hạnh phúc không bao giờ có.

Một cô gái trẻ lấy một lão già gần đất xa trời, người ta chỉ có thể nghĩ ngay đến một chữ: "Tiền". Linda Partridge (vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Julianne Moore) từng là một người như vậy. Cô lấy Earl Partridge vì tiền, cô bỏ ông lão già ở nhà để đi du hí với những thú vui tuổi trẻ. Để rồi một ngày khi quay trở về, ngồi bên cạnh ông chồng già hấp hối trong nỗi đau đớn, cô chợt ... yêu ông và cảm thấy tội lỗi vì những gì mình đã gây ra cho ông. Linda sẵn sàng đội mưa gió đến cầu cạnh luật sư, bác sĩ, rồi chịu sự khinh bỉ của mấy tay dược sĩ để tìm cho đủ số thuốc gây nghiện mang về giảm bớt cơn đau cho chồng. Linda cũng gào thét, khóc lóc với luật sư của Earl để ông này ... tước giúp quyền thừa kế của cô trong di chúc của chồng, vì một lẽ cô cảm thấy tội lỗi khi cầm những đồng tiền có được vì cuộc hôn nhất (xuất phát) vụ lợi đó. Nhưng Linda chẳng thể làm gì để lấy lại cuộc sống cho người mình yêu, trái lại, cô phải chọn cho chồng mình một trong hai con đường: đau đớn nhưng tỉnh táo đón nhận cái chết, hoặc để thể xác đón cái chết nhẹ nhàng nhưng với một tâm hồn trống rỗng vì thuốc gây nghiện.

Chứng kiến nỗi đau của gia đình Partridge là Phil Parma (Philip Seymour Hoffman, diễn viên được P.T. Anderson cực kỳ yêu thích), y tá của Earl trong những giờ phút cuối. Parma chẳng thể giúp Earl Partridge bớt đau đớn, chẳng thể xóa được cảm giác tội lỗi của Linda Partridge, cũng chẳng thể hàn gắn được tình cha con của Mackey với bố. Nhưng Parma vẫn cố giúp được Earl thực hiện tâm nguyện cuối cùng, đó là được nhìn thấy mặt con mình trước khi chết. Và rồi Mackey đến, anh khóc, anh chửi té tát người bố nhẫn tâm, nhưng anh không biết rằng trí não Earl Partridge khi ấy đã thấm đầy thuốc gây nghiện, và theo lời bác sĩ thì ông chẳng còn thể cảm nhận bất cứ thứ gì xung quanh vào giờ phút ấy nữa. Nhưng người xem vẫn thấy miệng của Earl mấp máy, liệu ông có nghe thấy những lời xé gan xé ruột của con trai không, liệu ông có cảm thấy chút tình cảm vẫn còn lưu lại trong lòng người con vốn đã căm hờn ông từ bao năm không. Có lẽ chỉ Parma có thể trả lời được câu hỏi này, nhưng tiếc là anh không nói, anh chỉ chứng kiến.

"Quiz Kid", chương trình hái ra tiền của Earl Partridge, gắn liền với tên tuổi của một host nổi tiếng và gạo cội bậc nhất của làng truyền hình, Jimmy Gator (Philip Baker Hall). Và lại một lần nữa ngẫu nhiên Gator, vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày dẫn "Quiz Kid" nhận được tin dữ: ông bị ung thư giai đoạn cuối và không thể sống quá hai tháng. Người đầu tiên Gator tìm tới để "đưa giấy báo tử" là con gái ông, một người sẵn sàng qua đêm với bất cứ người đàn ông mới gặp nào nhưng lại cũng sẵn sàng gào thét đập phá để đuổi bố ruột ra khỏi nhà, kể cả khi biết ông bị mắc ung thư giai đoạn cuối. Trên truyền hình Gator tự tin phong độ bao nhiêu thì trước mặt con gái ông lại tỏ ra run sợ, đau đớn bấy nhiêu. Có lẽ bố con Gator đều đã phải trải qua quá khứ đen tối nào đó, và cái quá khứ ấy chưa bao giờ rời bỏ họ.

Con gái Jimmy Gator, Claudia Gator (Melora Walters) không chỉ là một cô nàng dễ dãi với đàn ông mà còn là một con nghiện nặng. Không rõ cái quá khứ đau thương đã tác động tới Caludia thế nào nhưng ở hiện tại người ta chỉ thấy một cô gái sống - mà như đã sắp chết. Chìm đắm suốt ngày với ma túy và tiếng nhạc ầm ĩ trong căn phòng đóng kín với điểm sáng nhỏ nhoi duy nhất là bức tranh hoa mộc lan treo trên tường, Claudia chỉ bị đánh thức khi ... cảnh sát tìm tới nhà, buộc cô phải trở lại với thực tại, với căn hộ bẩn thỉu và chiếc máy cà phê lâu ngày không dùng.

Người cảnh sát tìm tới nhà Claudia theo lời phàn nàn của hàng xóm về tiếng ồn là Jim Kurring (John C. Reily). Luôn miệng rao giảng về đạo đức, về quy tắc ứng xử, về trách nhiệm của người cảnh sát, nhưng sự nghiệp của Kurring có thể tóm gọn trong hai chữ: "Bất tài". "Be cool" trong cặp kính râm và bộ ria mép, Kurring chỉ được giao những nhiệm vụ "vớ vẩn" như kiểm tra các căn hộ vì có cãi nhau hay "giáo dục" lũ trẻ đường phố vốn thừa thông minh hơn anh cảnh sát bị vợ bỏ, thậm chí chỉ với những công việc như thế Jim cũng làm rơi mất khẩu súng công vụ khiến cả đồn phải đổ đi tìm mà vẫn mất tăm hơi. Nhưng bất kể những lời nói có vẻ sáo rỗng, bất kể bề ngoài và cư xử hơi ngớ ngẩn, Jim Kurring vẫn là một viên cảnh sát-có tình người. Anh đến với Claudia, anh ở lại bên Claudia vì anh cảm thấy những điều tốt đẹp trong cô, anh cảm thấy cô cần có anh bên cạnh. Jim thậm chí còn tha cho một tay "đột vòm" bị bắt quả tang vì theo anh, luật pháp quan trọng, nhưng trong cuộc sống, có những thứ cũng quan trọng không kém như tình người, sự tha thứ, và anh - một người cảnh sát tốt, phải có trách nhiệm quyết định thứ quan trọng nhất.

Tay "đột vòm" bị Kurring bắt quả tang là Donnie Smith (William H. Macy). Smith bị bắt quả tang không phải vì đột nhập cửa hiệu lấy tiền, mà vì đột nhập cửa hiệu để ... trả lại tiền mình đã ăn trộm trước đó. Dù sao đi nữa anh cũng từng là một ngôi sao sáng, từng là người được mọi người mến mộ, từng là một cậu bé chiến thắng ... "Quiz Kid". Chỉ có điều bố mẹ Smith đã lấy hết tiền của cậu bé và "Quiz Kid Donnie Smith" lớn lên chẳng qua chỉ là một anh bán đồ điện tử liên tục đi muộn để tới mức bị ông chủ sa thải. "Tình yêu trong đời" duy nhất của Smith là một chàng thanh niên kẹp răng phục vụ trong quán rượu. Để chứng minh "tình yêu" của mình, Smith, ở vào cái tuổi trung niên đầu hai thứ tóc, quyết định bỏ hết tài sản đi ... nẹp răng trong khi chính mình còn không chắc chắn được có phải mình "yêu" gã thanh niên kia không, và gã có "yêu" lại mình nếu mình kẹp răng hay không.

Một "Quiz Kid" khác, Stanley Spector (Jeremy Blackman) dường như cũng đang bước trên con đường diệt vong của "Quiz Kid" Donnie Smith. Cậu bị bố, Rick Spector (Michael Bowen), ép phải tham gia hết sức trong chương trình để kiếm tiền bất chấp mọi thứ. Vốn là một cậu bé đam mê kiến thức, Stanley bắt đầu lờ mờ nhận ra cái vòng kim cô của những con người hám tiền đang vây quanh cậu, không chỉ ông bố hám tiền, phụ huynh của bạn thi cùng hám tiền, mà ngay đến chính hai người bạn thi cùng cậu, những cô bé cậu bé dễ thương cùng tuổi, cũng chỉ nhăm nhăm muốn chiếm lấy giải thưởng, muốn nổi tiếng. Chẳng ai quan tâm đến nguyện vọng nhỏ nhoi và rất trẻ con của cậu bé, đó là ... được đi tiểu.

Magnolia là một "mớ" cuộc đời hỗn độn, nhiều đau khổ, không có niềm vui và tràn ngập sự tình cờ. Mặc dù đã xem phim này tới lần thứ 3, hay 4 gì đó nhưng tôi vẫn ... chưa thực sự hiểu hết nhiều chi tiết trong phim, thông điệp ẩn phía sau các câu thoại, những ánh mắt ám ảnh của Claudia, của Linda, của Frank, của Stanley, những chi tiết gắn với Kinh Thánh, cách dùng typo toàn chữ thường của phim. Nhưng có một điều khiến tôi chưa bao giờ thấy nhàm chán khi xem "Magnolia", đó là tình người. Các nhân vật của Magnolia không ai hoàn hảo, thậm chí họ còn có quá khứ tồi tệ và đáng quên, nhưng phía sau những khuôn mặt, lời nói xù xì, chai sạn vẫn tràn ngập tình người, họ có thể từng sai lầm, họ có thể vừa mới sai lầm, nhưng họ vẫn luôn sống để yêu thương những người xung quanh, những người thân yêu trong cuộc đời của họ. Đúng, "những điều bất ngờ xảy ra hàng ngày", nhưng những điều bất ngờ và tình cờ trong "Magnolia" đều xuất phát từ một thứ nhỏ bé mà lấp lánh, tình người.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire